Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm vẫn được làm bằng thủ công.
“Giữ nghề” bằng niềm tự hào
So với những công việc hiện đại, có lẽ thu nhập từ làng nghề truyền thống sẽ không bằng, nhưng lắng nghe tâm sự của chính người trong cuộc thì nối nghiệp gia truyền là niềm tự hào rất đáng để theo đuổi.
Trước đây, ấp Phủm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang) là nơi tập trung nhiều hộ dân theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc Chăm. Nhưng rồi, theo thời gian nghề dệt đã mai một dần và hiện nay chỉ còn 1 vài hộ bám trụ với nghề.
Vậy mà, đi du học và làm việc ở nước ngoài như chị Saphynah (con gái út của ông Mohamad - Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Mohamad) quyết định quay về quê hương phát triển nghề truyền thống cùng gia đình.
Chị Saphynah nói: “Lúc trước, để làm ra một sản phẩm ba mẹ rất cực vì hoàn toàn bằng thủ công nhưng thu nhập rất ít, bấp bênh, khó tiêu thụ nên mình hoàn toàn không muốn theo nghề này. Tuy nhiên, sau những lần về thăm nhà, được gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm truyền thống cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước đã làm mình suy nghĩ khác. Lúc này, tự bản thân thấy phải có trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”.
Hiện tại, một số khung dệt được đặt ở nhà người dân để gia công, số còn lại đặt tại cơ sở để trình diễn cho du khách tham quan các công đoạn để hoàn thành một sản phẩm khăn rằn, thổ cẩm. Chị Saphynah cho rằng, du khách và đặc biệt là khách nước ngoài họ rất trân quý những sản phẩm được làm thủ công.
Sinh ra và lớn lên ở làng chổi bông sậy Cồn nhỏ (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang), chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Nhân đã chọn chính cái nghề hưng thịnh của làng mình lập nghiệp.
Ngọc Nhân hiện là chủ một cơ sở mới, giải quyết việc làm cho 20 lao động và bỏ nguyên liệu cho người dân bó chổi tại nhà, mỗi ngày cung ứng ra thị trường từ 1.000-2.000 cây chổi.
Còn bạn Trần Hoa Ni (Bí thư xã đoàn Phú Bình, Phú Tân) đồng thời gắn bó với nghề bó chổi của gia đình. Đã 2 năm liên tiếp, làng bó chổi đón học sinh về khám phá, trải nghiệm, Hoa Ni là người đứng ra tổ chức, mời thêm một số thợ giỏi lâu năm cùng hướng dẫn các em thực hành.
Đứng ở cả 2 vai trò, Hoa Ni cho rằng những lớp trải nghiệm như thế này rất có ý nghĩa cho cả đôi bên, nếu trong thời gian tới còn duy trì, bạn sẽ tiếp tục hỗ trợ. Các bạn cũng chia sẻ nguyện vọng để thanh niên, học sinh có tình yêu với quê hương, với ngành, nghề dân gian lâu đời để lại cần có nhiều cơ hội hơn hoặc giới thiệu những tấm gương đã thành công với nghề truyền thống để các bạn có sự lựa chọn phù hợp.
“Truyền lửa” cho người trẻ
Hành trình “Khám phá làng nghề” là một trong những hoạt động trải nghiệm bổ ích trong hè đem lại niềm vui cho cả đoàn viên, học sinh và các nghệ nhân. Đây là chương trình được Huyện đoàn Phú Tân tổ chức hàng năm trong dịp hè với mục đích giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, nuôi dưỡng ý thức “giữ lửa” nét văn hóa đẹp của địa phương.
Tại mỗi nơi trải nghiệm, điều các em học được không chỉ là những hiểu biết cơ bản, được chạm tay thực hành từng mẫu nhỏ… Hơn hết sau buổi tiếp xúc với người dân ở làng nghề, các em đã yêu thích các sản phẩm dân gian, yêu thích đối với ngành, nghề lâu đời của địa phương và cùng góp phần giữ gìn, tiếp nối.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa tại làng tranh kiếng xã Long Điền B (Chợ Mới, An Giang) lộ rõ niềm vui trên gương mặt trong lần đón tiếp 67 em học sinh từ huyện Phú Tân đến tham quan.
Thành viên trong xưởng đã giúp ông chuẩn bị sản phẩm mẫu, màu kim tuyến, keo, cọ vẽ, chỗ ngồi… từ rất sớm để đoàn khách thực hành vẽ tranh. Tất cả sản phẩm thực hành được nghệ nhân tặng cho các em đem về làm quà lưu niệm để giới thiệu cho bạn bè, người thân.
Dù đa số ở vùng nông thôn nhưng nhiều học sinh cho biết chưa từng biết tranh kiếng, càng không hình dung được sản xuất tranh kiếng công phu, tỉ mỉ như thế nào. Vì vậy, khi được nghệ nhân giới thiệu, hướng dẫn thực hành tô màu trên bản mẫu, các em tỏ ra thích thú.
Tại làng bó chổi bông sậy Phú Bình (Phú Tân), học sinh được tổ chức với hình thức tương tự: nghe giới thiệu về làng nghề, các nguyên liệu, cách sản xuất một cây chổi thành phẩm, thị trường tiêu thụ hiện nay và thực hành bó chổi.
Là một trong số ít nghề truyền thống còn phát triển mạnh, hơn nữa, làng bó chổi bông sậy còn may mắn khi có khá nhiều người trẻ tiếp nối để khâu sản xuất và tìm đầu ra thuận lợi.
Từ hiệu quả đem lại, mỗi năm Huyện đoàn Phú Tân duy trì hoạt động này, tổ chức cho các em tham quan làng nghề truyền thống trong và ngoài huyện như làng rèn Phú Mỹ, làng lò đất Phú Thọ, làng chổi Phú Bình, làng tranh kiếng Chợ Mới...
Theo đuổi và phát triển nghề truyền thống trong thời đại ngày nay là một thử thách. Bởi phần lớn sản phẩm truyền thống đều phục vụ nhu cầu của lượng khách hàng nhất định, hoặc mục đích tham quan, tìm hiểu du lịch. Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ, nhất là những người con được sinh ra, lớn lên ngay tại làng nghề, việc giữ gìn “lửa nghề” vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào.
ÁNH NGUYÊN