Nguyện vọng của ngư dân

08/08/2019 - 07:43

Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công Đại hội toàn thể hội viên lần thứ 4 (nhiệm kỳ 2019-2024). Theo đó, một trong những mục tiêu đại hội đề ra cho nhiệm kỳ mới là đưa ngành hàng thủy sản tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị.

Thực trạng sản xuất…

Mục tiêu đặt ra của đại hội lần này cũng là nguyện vọng chính đáng của ngư dân, bởi thực trạng sản xuất của ngành hàng này đã bộc lộ nhiều bất cập, nếu không có những giải pháp thích hợp để chấn chỉnh thì những người tham gia sản xuất ngành hàng này sẽ phá sản hàng loạt, điều này đã được chứng minh từ thực tế quá trình sản xuất của ngư dân thời gian qua. Nguyên nhân do giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, cụ thể trong vụ nuôi cá tra xuất khẩu từ đầu năm 2019 đến nay, ngư dân lỗ ít nhất từ 3.000-4.000 đồng/kg cá thương phẩm. Trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, các doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đang nắm giữ phần lớn những thị phần, từ thuốc thú y đến thức ăn thủy sản. Lịch sử của ngành hàng này ghi nhận, trong hơn 20 năm qua, giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản chỉ có tăng mà không có giảm, lãi suất ngân hàng có thời điểm rất cao, từ đó ngư dân phải đối mặt “1 lần lời, 3 lần lỗ”.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới ra mắt đại hội

Tại đại hội toàn thể hội viên lần thứ 4 (nhiệm kỳ 2019-2024), nhiều ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng sản xuất hiện nay, sản xuất không tuân thủ quy luật của thị trường, sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thấy giá cá cao là đổ xô thả con giống, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đưa ra rất nhiều khuyến cáo, cảnh báo ít ai “chịu nghe”; sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ… “Mối liên kết giữa người nuôi và DN chế biến thủy sản tuy có thực hiện nhưng chưa chặt chẽ, chưa tạo thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Cơ chế quản lý đầu ra của DN xuất khẩu chưa tốt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như chào bán sản phẩm với các đối tác phá giá lẫn nhau vẫn còn tiếp diễn. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá cá tra trong nước sụt giảm…” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Lê Trung Dũng phân tích.

…đến định hướng lâu dài

Tại đại hội, nhiều vấn đề bất cập đã được nhận thức rõ, từ đó đại hội đã đưa ra mục tiêu chung cho nhiệm kỳ 2019-2024 là liên kết chặt chẽ giữa các khâu, các ngành trong chuỗi giá trị nghề cá. Đa dạng giống thủy sản có giá trị kinh tế và các mô hình tiên tiến đạt hiệu quả cao. Hiệp hội Thủy sản tỉnh phải thật sự là tổ chức đại diện cho tiếng nói chung của hội viên, phát huy vai trò cầu nối giữa hội viên với chính quyền các cấp, giữa DN và người nuôi, giữa DN với DN.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú phát biểu ý kiến tại đại hội

Đại hội đã đưa ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới là chú trọng củng cố, phát triển tổ chức hội, trong đó chú trọng về chất lượng hội viên. Phối hợp Hiệp hội Cá tra Việt Nam tích cực xây dựng các mô hình chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích những người tham gia ngành hàng này tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. “Vấn đề cốt tử của ngành hàng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng là làm sao quản lý cho được sản lượng nuôi hàng năm. Thị trường cần 1,4 triệu tấn/năm, chúng ta tổ chức nuôi khoảng 800.000-900.000 tấn là tốt nhất. Vì nuôi như thế, cung luôn thấp hơn cầu, giữa ngư dân và DN đều có lời, nhà nhập khẩu có lợi nhuận, nhà nước cũng vui vì không phải “giải cứu” sản phẩm…” - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.

Để thực hiện được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, đại hội đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tổ chức và hoạt động của hiệp hội, giải pháp về khoa học - kỹ thuật, thị trường, thông tin và tài chính… Về lĩnh vực thông tin, Hiệp hội Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp Hiệp hội Cá tra Việt Nam xây dựng hệ thống thống kê, thông tin thị trường đối với cá tra và một số đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh. Tăng cường, hoàn thiện hơn nữa công tác thông tin từ hiệp hội đến các chi hội, các DN và ngược lại. Làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh, giúp hội viên tiết giảm được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Bài, ảnh: MINH HIỂN