Nhà bán lẻ TP Hồ Chí Minh cam kết giữ giá ổn định

18/07/2021 - 14:23

Trước bối cảnh các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra cam kết giữ giá bán ổn định tại hệ thống bán lẻ đến người tiêu dùng trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP Hồ Chí Minh, ngành Công Thương các địa phương, nhà bán lẻ, doanh nghiệp... nỗ lực giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Vượt khó đưa hàng đến người dân

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung lên quầy, kệ tại siêu thị. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Đại diện Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) cho biết, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên việc giao hàng của nhà cung cấp phải qua rất nhiều chốt kiểm soát. Đặc biệt, nguồn cung hàng hóa từ nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực nhập đến điểm bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng nhất định về thời gian.

Tuy vậy, hệ thống bán lẻ Satra vẫn đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định do liên tục đàm phán với nhà cung cấp, tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới... Trong số đó, việc thương thảo hợp đồng gối đầu, giải quyết nhanh vận chuyển... để hàng hóa kịp phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg được Satra ưu tiên hàng đầu.

Trên thực tế, tại hệ thống siêu thị Satramart và chuỗi cửa hàng Satrafoods của Satra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tăng cường nhân viên phục vụ từ 7 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Các điểm bán này cũng triển khai dự trữ và cung ứng hàng hóa cho khách hàng đến mua sắm và phục vụ người dân trong khu cách ly với số lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 5 lần/ngày với giá cả ổn định.

Đơn cử tại những điểm chế biến rau củ, quả Phan Văn Trị, Thống Nhất... thuộc Satra với gần 100 công nhân mỗi ngày chế biến và cung ứng từ 18 - 20 tấn cho hệ thống bán lẻ thì nay nâng công suất cung ứng lên gần 150 tấn/ngày. Trong khi đó, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan – đơn vị thành viên của Satra nếu trước đây cung ứng cho thị trường mỗi ngày từ 45 tấn thực phẩm tươi sống, 80 tấn thực phẩm chế biến... thì nay có ngày cung ứng gần 120 tấn thực phẩm tươi sống và trên 120 tấn thực phẩm chế biến… 

Satra cũng tăng cường hoạt động bán hàng qua ứng dụng Zalo, G1-Mart, số điện thoại hotline và bán theo mẫu đơn hàng có sẵn... nhằm phục vụ người dân có nhu cầu mua sắm online. Đối với điểm bán lẻ trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh, dù lượng khách hàng đến mua sắm có tăng hơn ngày thường, nhưng vẫn đảm bảo giữ trật tự, giữ khoảng cách cần thiết, nhất là luôn đảm bảo “thông điệp 5K” và chỉ phục vụ số lượng khách nhất định vào mua sắm.

Nhân viên siêu thị tại TP Hồ Chí Minh lựa chọn thực phẩm cho đơn hàng mua sắm online. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Tương tự, đại diện AEON Việt Nam cho hay, đơn vị đã chủ động tăng trữ lượng nhập hàng từ 5 - 6 lần, bảo đảm đủ rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, mỳ gói... phục vụ người dân tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều mặt hàng tươi sống đều được bổ sung mỗi ngày nên khách hàng có thể yên tâm không cần mua tích trữ số lượng lớn. 

Ghi nhận tại siêu thị AEON Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã mở bán hơn 20 loại rau củ Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với giá giảm từ 20 - 50% trong hai ngày 18 và 19/7. Trong số đó, có thể kể đến những loại rau củ, quả như bắp cải tím có giá bán 25.000 đồng/kg; cà chua túi lưới 27.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 26.000 đồng/kg; khoai tây vàng Đà Lạt 27.000 đồng/kg; cải thảo Đà Lạt 25.000 đồng/kg...

Còn tại hệ thống siêu thị MM Mega Market triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế và phong tỏa theo những combo được chuẩn bị sẵn. Với phương thức này, siêu thị kỳ vọng khắc phục phần nào tình trạng quá tải đối với việc xử lý đơn hàng online, nhanh chóng đưa hàng hóa thực phẩm đến tận tay khách hàng.

MM Mega Market thiết kế 5 combo rau củ, 1 combo gia vị, 2 combo mặn (các loại thịt tươi sống) có thể sử dụng cho một gia đình khoảng 4 người trong vòng 5 - 7 ngày. Danh mục hàng hóa trong combo được chọn từ danh sách những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, có doanh số cao tại siêu thị nhằm phù hợp đại đa số khách hàng. Siêu thị cam kết giữ ổn định giá tất cả combo trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7/2021.

Huy động tổng lực chuỗi bán lẻ

Người dân mua hàng hóa thiết yếu tại một “Phiên chợ lưu động” được tổ chức tại khu phố 3, phường 2, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Châu/TTXVN

Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn còn khoảng 50 trong tổng số 237 chợ truyền thống (bao gồm 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn) hoạt động. Có hơn 3/4 số chợ đã tạm ngừng hoạt động vì có ca nhiễm COVID-19 hoặc không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch bệnh.


Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Công Thương đang tiếp tục làm việc với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nhằm đánh giá tình hình và cho mở lại một số chợ truyền thống. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách của ngành Công Thương trong khôi phục lại kênh mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân; đồng thời, giải tỏa áp lực quá tải cho kênh bán lẻ hiện đại.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo về việc tăng cường cung ứng hàng hóa nông sản, lương thực, thực phẩm thông qua phương thức giao dịch trực tuyến đến nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn. Trong khi đó, sàn thương mại điện tử tạo điều kiện hỗ trợ và ưu tiên hiển thị mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu; sản phẩm phòng, chống dịch... để khách hàng dễ tiếp cận, mua hàng. 

Doanh nghiệp triển khai phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho khu vực TP Hồ Chí Minh; ưu tiên tìm kiếm nguồn cung từ khu vực miền Đông, Tây Nguyên và phía Bắc để bán trực tuyến. Sàn thương mại điện tử cũng có giải pháp hiệu quả trong khâu xử lý đơn hàng và chuỗi cung ứng nhằm thực hiện phương án tối ưu thời gian giao hàng, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi vận chuyển từ kho hàng đến với người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất. 

Người dân mua hàng hóa thiết yếu tại một “Phiên chợ lưu động” được tổ chức tại khu phố 3, phường 2, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Châu/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc Mekong Capital, thông qua sự kết nối của quỹ đầu tư này, khoảng 10 doanh nghiệp sở hữu những chuỗi Concung, Guardian, Nhất Tín, GHN (dịch vụ giao hàng nhanh), Pharmacity, Vinshop... cùng sàn thương mại điện tử lớn, gồm Lazada, Shopee, Tiki, VinID... đã khởi động dự án bán thực phẩm bình ổn giá. Nếu triển khai toàn bộ trên 300 cửa hàng Pharmacity, 150 cửa hàng Concung, 67 cửa hàng Guardian, 36 bưu cục Nhất Tín... cùng 1.000 cửa hàng tạp hóa có liên kết với Vinshop thì số điểm bán sẽ rất nhiều và phân bố khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, sàn thương mại điện tử Shopee đang khẩn trương triển khai gian hàng "Đi chợ trên Shopee" mở bán thực phẩm tươi sống và nguồn hàng sẽ do nhà bán hàng là đối tác của Shopee cung ứng. Dự kiến trong những ngày tới, sàn thương mại điện tử Tiki sẽ ra mắt chương trình mới về bán thực phẩm tươi sống. 

Thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số lượng điểm bán lương thực, thực phẩm đang tăng lên từng ngày và ngành Công Thương đang nỗ lực không ngừng đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vào khu dân cư, nhất là khu vực cách ly, phong tỏa. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 điểm bán được mở tại hệ thống bưu điện, nhà thuốc, chuỗi cửa hàng kinh doanh... tạm thời thay thế nguồn cung đang bị đứt gãy do nhiều chợ truyền thống còn đóng cửa.

Theo MỸ PHƯƠNG - THU HƯƠNG (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích