Nhà báo, nghề báo trong cơn đại dịch

10/04/2020 - 05:33

 - “Các phóng viên cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp vệ sinh và bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, nâng cao sức khỏe bằng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý; bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể… nhằm bảo vệ cá nhân, gia đình và cộng đồng”.

Đó là một trong những dặn dò của Ban Biên tập Báo An Giang gửi đến nhóm phóng viên chúng tôi vào sáng sớm ngày 30-3, sau khi có thông tin 1 phóng viên ở Hà Nội nhiễm bệnh Covid-19 trong lúc tác nghiệp.

Hôm sau, một thông báo chính thức được Ban Biên tập ban hành: thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài thời điểm tác nghiệp tại hiện trường, đi cơ sở, phóng viên làm việc tại nhà, gửi tin, bài qua hộp thư điện tử hoặc nhận phân công qua điện thoại khi có công việc đột xuất. Do các cuộc hội họp không được tổ chức nữa, phóng viên phải chủ động khai thác tư liệu từ nhiều nguồn để đảm bảo tin, bài cho xuất bản báo.

Các phòng còn lại giảm số lượng cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại phòng, nhưng vẫn bố trí người trực làm nhiệm vụ. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được áp dụng đầy đủ: trang bị nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt…

Không phải đến lúc này, tòa soạn mới chú trọng phòng, chống dịch bệnh. Ngay từ thời điểm Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, khi những khu cách ly tập trung đầu tiên được tổ chức trong tỉnh, Ban Biên tập dặn đi dặn lại mỗi phóng viên: cẩn trọng đến mức tối đa.

Độc giả rất cần thông tin nhanh nhạy, kịp thời, sâu sát tình hình phòng, chống dịch bệnh trong tỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là buộc phóng viên “bất chấp”, “liều mạng” ở những khu vực nguy hiểm.

Nếu tác nghiệp, phải chú ý đeo khẩu trang nơi công cộng và giữ khoảng cách an toàn; mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp ở nơi cách ly tập trung…

Lịch công tác dày đặc, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, nên chỉ chủ quan một chút thôi, phóng viên có thể làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động xuất bản báo, ảnh hưởng sức khỏe của đồng nghiệp, người thân và cộng đồng. Vậy nên, chúng tôi không thể chủ quan, không thể phạm sai sót khi cả nước đang căng mình chống dịch.

Nhiều đồng nghiệp của tôi, hoặc là bám trụ tại khu cách ly để vừa cách ly, vừa tác nghiệp hoặc tác nghiệp xong tự cách ly ở nhà, giảm thiểu tối đa lịch trình công tác và tiếp xúc với người khác trong giai đoạn nguy cơ.

Cùng với đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ, người làm báo được xem là “những chiến binh quả cảm”. Sự đánh giá ấy là động lực to lớn để chúng tôi “chân cứng đá mềm”, thêm bản lĩnh, tự tin với nghề trong giai đoạn “đặc thù” này.

Ở một khía cạnh khác, dễ dàng nhận thấy, phần lớn thông tin báo chí hiện nay tập trung vào chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các mặt đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.

Có người nói vui: trong giai đoạn mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, đóng băng, chỉ có báo chí “khỏe re”, do lượng thông tin dồi dào có thể khai thác, nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng ở mức cao. Điều đó đúng, nhưng chỉ một phần. Phía sau những sản phẩm báo chí, là bao lo toan, trăn trở về “cơm, áo, gạo, tiền” để có thể duy trì hoạt động dài hơi.

Ngày 7-4, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội; cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn; phóng viên vào tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà báo và cơ quan báo chí...

Dù đề nghị có được xem xét hay không, đội ngũ làm báo vẫn ngày ngày làm nhiệm vụ, vẫn dấn thân và “bươn chải” mang đến những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, toàn diện nhất cho công chúng.

Các đồng nghiệp của tôi vẫn sẽ “tay máy, tay viết” xuất hiện ở mọi nơi, dùng tác phẩm báo chí của mình làm “vũ khí” trong “cuộc chiến” chống đại dịch. Và tôi tin, “cuộc chiến” sẽ sớm chấm dứt thôi, khi chúng ta đồng lòng tạo ra sức mạnh.

Như nhà văn Nguyễn Khải trong “Mùa lạc” đã viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích