Nhà hát Kịch Việt Nam 'khai Xuân' với kiệt tác trăm tuổi đến từ nước Pháp

18/02/2024 - 08:24

Mở đầu cho hoạt động nghệ thuật năm 2024, Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu vở hài kịch "Ả cave nhà hàng Maxim" của tác giả người Pháp, công diễn lần đầu tại Paris cách đây 125 năm.

Vở kịch quy tụ các gương mặt trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà hát Kịch Việt Nam vừa chính thức khởi động hoạt động nghệ thuật năm 2024 với vở hài kịch "Ả cave nhà hàng Maxim" do Nghệ sỹ Nhân dân Tuấn Hải dàn dựng, Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, ngày 17/1/1899, cách đây đúng 125 năm, tác phẩm “Ả cave nhà hàng Maxim” được ra mắt lần đầu tiên tại Paris. Hơn một trăm năm qua, tác phẩm vẫn liên tục xuất hiện ở các nhà hát của Paris và thế giới.

vnp_kich2.jpg

Bác sỹ Petypon (giữa) kinh hãi khi thấy cô gái điếm xuất hiện trong phòng ngủ của mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tác phẩm này được lấy từ nguyên tác “La Dame de chez Maxim” - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau. Là một tác giả cổ điển và cận đại, Georges Feydeau đã thành công vang dội ở cả nước Pháp và trên toàn thế giới.

Ông được biết đến với một loạt các vở hài kịch về giới thượng lưu quý tộc ở Paris, qua đó phản ánh mặt trái của xã hội, những đối lập của đạo đức và nhân cách, của trí tuệ và kiến thức. Ông đã kể những câu chuyện thật lôi cuốn và sống động của Paris về đêm, để lại những tác phẩm nghệ thuật vô giá, trong đó có vở kịch “Ả cave nhà hàng Maxim” được lấy cảm hứng từ quán rượu Maxim và hộp đêm Moulin Rouge (Cối xay gió màu đỏ).

xuanbac.jpg

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu tác phẩm tối 17/2. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đạo diễn Tuấn Hải cho hay Georges Feydeau đã dùng câu chuyện về một vũ nữ với điệu nhảy tục tĩu bỗng trở thành hình mẫu của giới thượng lưu quý tộc để châm biếm, chỉ trích thói học đòi, giả tạo trong xã hội. Những chuyện dối trá trong tình yêu và hôn nhân cũng được hé lộ khi ả gái nhảy đàng điếm tha hồ “bịt mắt dắt mũi” cả một xã hội thượng lưu ngu muội và rỗng tuếch, đang sôi sục học đòi những điều nhảm nhí và phù phiếm.

“Tôi đã sử dụng những câu thoại thuần Việt, thơ Bút Tre và ca dao tục ngữ để câu chuyện có bối cảnh nước ngoài trở nên gần gũi với khán giả Việt bởi vở kịch này ra đời từ thế kỷ trước, nếu sử dụng đúng cách nói trong nguyên tác thì khán giả không thể cười được,” đạo diễn Tuấn Hải nói.

Đáng chú ý, vở kịch hầu như không có các diễn viên ngôi sao mà tập hợp chủ yếu là dàn diễn viên trẻ. Đạo diễn bày tỏ sự hài lòng khi những gương mặt mới đã làm tròn vai bằng sự duyên dáng của mình.

vnp_kich.jpg

Không có diễn viên ngôi sao, vở kịch vẫn mang lại những tiếng cười cho khán giả nhờ dàn diễn viên trẻ duyên dáng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Các vai chính hoàn toàn do dàn diễn viên trẻ đảm nhận. Trước đây, họ mới chỉ được giao các vai nhỏ. Đến vở kịch này thì họ thực sự tỏa sáng. Tôi cảm thấy vui vì họ được tin tưởng, trao cho cơ hội và đã thể hiện tốt vai trò của mình, góp phần tạo ra hơi thở mới cho kịch Việt,” đạo diễn cho hay.

Vở kịch sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào các ngày 18/2 và 23-24-25/2.

Ngay sau đó, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi động chương trình “Điểm hẹn 8/3” với hai vở hài kịch “Quan thanh tra” (ngày 9-10-19/3 tại Rạp Đại Nam và 15/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam); “Nghêu sò ốc hến” (ngày 1-2-7-16/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam và 8/3 tại tại Rạp Đại Nam)./.

Theo MINH THU (Vietnam+)