Nhận biết và ngăn ngừa đột quỵ

09/09/2022 - 17:08

 - Đột quỵ xảy ra khi cục máu đông hoặc mạch máu bị vỡ, ngăn máu từ tim chảy đến một phần của não. Tổn thương phần não đó làm thiếu máu và ô-xy, gây ra dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ.

Theo thống kê tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, hàng năm có khoảng 800 bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 320 bệnh nhân đột quỵ (trong đó 70% đột quỵ do thiếu máu não, 30% đột quỵ do xuất huyết não).

Người bị đột quỵ sẽ có một hoặc nhiều triệu chứng: Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay, chân ở một bên của cơ thể; nói khó, nói ngọng; khó nhìn từ 1 hoặc cả 2 mắt; đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng; nhức đầu dữ dội không giải thích được. Vì vậy, khi thấy người bệnh có một hoặc nhiều dấu hiệu trên, phải nghĩ ngay đến đột quỵ, gọi ngay số cấp cứu của bệnh viện. Đừng cố gắng vắt chanh, ngâm nước nóng, tự mua thuốc uống, vì có thể làm cho người bệnh nặng thêm.

Trong trường hợp các triệu chứng đột quỵ biến mất sau vài giây hoặc vài phút, có thể người bệnh đã bị 1 cơn thiếu mãu não thoáng qua. Lúc này, vẫn cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị vì người bệnh dễ bị đột quỵ lần sau.

Theo nghiên cứu, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Khả năng bị đột quỵ tăng theo tuổi đối với cả nam và nữ. Mặc dù đột quỵ phổ biến hơn ở người cao tuổi, nhưng rất nhiều người dưới 65 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng có thể mắc phải. Yếu tố khác là tiền sử gia đình. Nếu cha mẹ, ông bà, chị gái hoặc anh trai của bạn bị đột quỵ, đặc biệt là trước 65 tuổi, bạn có thể gặp rủi ro cao hơn. Đôi khi đột quỵ có thể là do rối loạn di truyền.

Về giới tính, phụ nữ có nhiều nguy cơ đột quỵ hơn, gây chết nhiều hơn nam giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ cho phụ nữ bao gồm mang thai, tiền sử tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ, sử dụng biện pháp tránh thai đường uống (đặc biệt là khi kết hợp với hút thuốc lá) và liệu pháp hormone sau mãn kinh. 

Một người đã bị đột quỵ trước đó có nguy cơ bị đột quỵ lại cao hơn nhiều so với người chưa từng bị đột quỵ. Người bị 1 hoặc nhiều cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) có khả năng bị đột quỵ cao gấp 10 lần so với người cùng tuổi và giới tính không mắc bệnh. TIA tạo ra các dạng triệu chứng giống như đột quỵ nhẹ, nhưng không để lại tổn hại lâu dài. Khi TIA xảy ra, cần nhập viện và theo dõi ngay lập tức.

Người từng bị nhồi máu cơ tim có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Nhồi máu cơ tim là do sự tích tụ mảng xơ vữa làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tim. Tương tự, hầu hết cơn đột quỵ là do sự tích tụ của các mảng bám gây ra tắc nghẽn mạch máu trong não. Nếu đột quỵ là do cục máu đông, bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng (được gọi là thời gian vàng), có thể được sử dụng thuốc làm tan cục máu đông. Tuy nhiên tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, 6 tháng đầu năm 2022, chỉ 20% bệnh nhân đến sớm trong vòng 3 giờ. Nguyên nhân là do họ chưa nhận biết được triệu chứng đột quỵ, người thân còn chần chừ chưa muốn nhập viện sớm, theo dõi tại nhà xem triệu chứng có bớt không, diễn tiến nặng hơn mới nhập viện…

Để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta cần phải kiểm soát huyết áp, sử dụng thuốc huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ; giảm cân nếu bạn thừa cân. Cần tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo, cholesterol, đường và muối. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách kiêng đường và uống thuốc theo toa bác sĩ. Nếu bạn bị rung nhĩ, phải sử dụng thuốc kháng đông dự phòng huyết khối trong buồng tim để ngăn ngừa đột quỵ.

ThS.BS MAI PHẠM TRUNG HIẾU (Bệnh viện Tim mạch An Giang)