Ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục đổi mới công nghệ chế biến. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng đã đạt được bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, thương hiệu tôm Việt vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế sẵn có trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu.
Nhận diện thách thức
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Liên minh tôm sạch Việt Nam (VSSA), thời gian qua, dù ngành tôm Việt Nam đã phát triển vượt bậc nhưng trên thực tế, thương hiệu tôm Việt vẫn chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường thế giới về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như trách nhiệm môi trường-xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như chi phí sản xuất cao hơn từ 10-15% so với đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…; việc truy xuất nguồn gốc, kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi còn chưa chặt chẽ; môi trường nuôi thủy sản xuống cấp do tác động của nuôi, chế biến thủy sản; tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, ảnh hưởng đến vùng nuôi...
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thị trường tôm toàn cầu trị giá khoảng 40 tỷ USD; trong đó, giá trị tôm thương mại toàn cầu ước đạt 28 tỷ USD/năm. Nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tăng nhanh chưa từng có nhưng nếu ngành tôm chậm khắc phục những yếu kém tồn tại thì sẽ rất khó để cạnh tranh trong những năm tiếp theo.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp - thành viên nhóm tư vấn xây dựng chiến lược VSSA - phân tích ngành tôm Việt Nam tạo ra 3,7 tỷ USD giá trị từ xuất khẩu. Tuy nhiên, mấu chốt là khả năng truy xuất nguồn gốc vẫn hạn chế, do đó có nhiều rủi ro cho nguồn thu ngoại tệ này.
Tôm Việt Nam có số lần bị từ chối nhập khẩu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng, từ đó, nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh lấn chiếm thị phần luôn rất cao. Điển hình, năm 2018, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chính giảm đã kéo theo giá trị xuất khẩu cả năm giảm khoảng 8% và năm 2019 giảm tiếp 5%...
Trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh thì người tiêu dùng có yêu cầu khắt khe hơn, quy định nhập khẩu của các nước cũng chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, xu thế chung hiện nay là tất cả các chuỗi siêu thị, bán lẻ lớn, cửa hàng tiện lợi trên thế giới đều cam kết tăng tỷ trọng thực phẩm bền vững, tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Phó Chủ tịch VSSA cho rằng ngành tôm cần đánh giá đúng lợi thế, thách thức và thế mạnh. Sở dĩ ngành tôm tồn tại đến ngày nay là do công nghệ chế biến của Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh đang cải thiện công nghệ, gần bắt kịp nên lợi thế trên đã và đang mất đi. Nếu mất lợi thế về giá trị chế biến thủy sản cao cấp thì tôm Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, khu vực sản xuất mang tính nhỏ lẻ dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc gặp khó, chi phí sản xuất tăng cao. Cạnh tranh trong ngành tôm đang diễn ra khốc liệt. Do đó, nếu không tổ chức lại sản xuất thì khoảng 5 năm nữa, ngành tôm Việt Nam sẽ rất khó khăn bởi không còn khả năng cạnh tranh.
Tôm Việt Nam 90% là hàng sạch nhưng tất cả phải chịu kiểm tra kháng sinh. Trong khi đó, chi phí kiểm kháng sinh đã làm tăng hơn 10.000 đồng/kg tôm nguyên liệu. Nếu loại bỏ khoản chi phí này, Việt Nam có thể tiết kiệm từ 7.000-10.000 tỷ đồng/năm. Vậy tại sao không dùng số tiền trên để đầu tư đưa tôm Việt Nam sạch 100%, ông Quang nêu vấn đề.
Để khắc phục hạn chế đã nêu, VSSA đề ra 4 mục tiêu chiến lược gồm: tập trung nâng cấp vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới vào khâu nuôi, chế biến và cung ứng; mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khung chiến lược này vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh; trong đó, phải bám sát đòi hỏi thực tế nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp để giúp ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, ổn định trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Cơ hội và thách thức đan xen
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu thủy sản của Cà Mau trong quý 1/2021 vẫn tăng trưởng mạnh, đạt trên 180 triệu USD, tăng 13,45% so với cùng kỳ; trong đó, thủy sản ước đạt trên 163 triệu USD, tăng 6,12% so với cùng kỳ.
Thời tiết trong những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho việc thả giống và bám biển nên sản lượng nuôi, khai thác thuỷ sản đều tăng. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu tăng và liên tục ổn định trong nhiều tháng qua khiến người nuôi phấn khởi.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Dự báo trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau có thể đạt trên mức 1,1 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định thị trường Trung Quốc với tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang là địa bàn tiêu thụ lớn của tôm Việt Nam; trong đó, tôm thẻ chân trắng đông lạnh có mức tiêu thụ tăng nhanh vì giá cả phù hợp và đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình ở quốc gia tỷ dân này.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID -19 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng 10%/năm, đạt 600 triệu USD. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới, do đó, việc xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm khách hàng, vận chuyển, kiểm dịch...
Ông Nguyễn Việt Trung - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau dẫn chứng nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam nhưng hiện nay, thị trường này cũng đang siết chặt kiểm soát và truy xuất nguồn gốc 100% các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào quốc gia này.
Theo quy định mới này, các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên bao bì, sản phẩm ngay tại cảng; đồng thời phải có đầy đủ 4 loại chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ gồm: tờ khai hải quan, chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch xuất khẩu, chứng nhận cách ly và sát trùng, báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm. Do có nhiều thủ tục nên thời gian thông quan kéo dài, bình quân từ 20-30 ngày hoặc lâu hơn. Chi phí cũng tăng cao, có khi lên đến 2.000-3.000 USD/container. Điều này đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và cả nhà nhập khẩu.
Tình hình trên đã khiến địa phương không thể tổ chức được các đoàn đi xúc tiến thương mại ngoài nước, do đó, doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường.
Để gỡ khó cho vấn đề này, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức các hoạt hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới và giới thiệu sản phẩm.
Theo HUỲNH ANH (TTXVN/Vietnam+)