Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Suốt chiều dài phát triển của nước ta, các thế lực thù địch, phản động cố tình quy chụp tình hình “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”. Trong bản “Phúc trình toàn cầu về tình hình nhân quyền năm 2021”, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) xuyên tạc rằng: “Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”, “Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội”. Việc gia tăng trấn áp những người “cổ vũ cho tự do ngôn luận” được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII “để bảo đảm đại hội diễn ra suôn sẻ và không bị các tiếng nói bất đồng chống đối”…
Thực tế cho thấy, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền, như các bản phúc trình toàn cầu về nhân quyền của HRW và báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo, nhân quyền, buôn người, mắc hạn chế lớn là “dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, mang động cơ chính trị thực dụng, nên phiến diện và không phản ánh đúng thực tiễn nhân quyền tại Việt Nam”. Cách gọi “tù nhân lương tâm” chỉ là chiêu trò để các đối tượng chống đối trong nước tìm cách tạo cớ cho những thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, gây sức ép với chính quyền; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, tiến tới gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự để thực hiện âm mưu thúc đẩy “cách mạng màu”, nhằm chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam. Các luận điệu phê phán theo lối tư biện nhân danh tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên của cá nhân, cùng lối suy diễn một chiều thái quá và mang động cơ thù địch về chính trị, đã dựa trên một số thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự kỳ thị đối với Việt Nam để cường điệu hóa quyền của một vài cá nhân, mà bỏ qua quyền của cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến sự vi phạm nhân quyền của cá nhân đó.
Người dân được chăm lo bằng nhiều nguồn lực
Nếu cho rằng, nhân quyền ở Việt Nam “tồi tệ”, vậy họ phủ nhận thế nào về những thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam? Đó là giải quyết vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau… Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015; được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên Hiệp Quốc. Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố ngày 9/12/2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Tại khóa họp lần thứ 73, ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu).
Việt Nam đã thành công rất lớn trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là vận hội để nước ta khẳng định uy tín, vị thế và quảng bá với thế giới về một Việt Nam luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của phát triển. Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) với đóng góp hết sức thiết thực. Việt Nam đã cùng ASEAN tiến bước dài trên cả 3 trụ cột (Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội), với tinh thần “gắn kết” và “chủ động thích ứng”. Vì những thành tựu trong việc tôn trọng, bảo đảm về quyền của con người, Việt Nam được tín nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016); tiếp tục được các nước ASEAN ghi nhận, đề cử đại diện ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Cuối tháng 3/2022, Bộ Ngoại giao chủ trì công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc; thông tin về ứng cử của Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2025. Báo cáo thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Trước những cáo buộc sai sự thật, mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, bởi bất cứ ai và vì bất cứ lý do gì, đều phải bị xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ quyền và tự do của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự và công bằng. Không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng”.
T.M