Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế dọn dẹp ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ðào, ở thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị lũ quét tràn qua làm sập nhà. (Ảnh CÔNG HẬU)
Hiện các địa phương trong khu vực đang dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến chiều 17/10, toàn tỉnh còn gần 4.000 nhà dân ở các địa phương thấp trũng bị ngập lụt. Trong đợt mưa lũ này, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 20 nghìn nhà dân bị ngập từ 0,3 đến 0,8m; 2 người chết và 4 người bị thương do tai nạn đi lại sau lũ; 3.000 chậu hoa cúc bị ngập; 120ha nuôi trồng thủy sản thất thoát do mưa lũ.
Nỗ lực khắc phục hậu quả
Tại tuyến đường Bạch Ðằng (TP Huế), vì nằm sát sông Hương, bị ngập sâu nên lượng bùn đất đọng lại sau mưa lũ rất lớn. Sáng 17/10, Ðoàn Thanh niên, các lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ cùng người dân chung sức, dùng máy bơm công suất lớn để xịt bớt bùn đất trên đường. Ðến gần giữa trưa nhưng nhiều người vẫn khẩn trương thu dọn bùn đất để bảo đảm an toàn di chuyển cho người dân. Với những đống bùn đất dày, lực lượng chức năng phải dùng xẻng để xúc. Sau đó cho vào xô để mang đi đổ.
Tuy nhiên, đến chiều 17/10, còn nhiều tuyến đường vẫn còn ngập trong bùn đất chưa được dọn dẹp. Còn nhiều rác chưa được dọn dẹp trên đường Trịnh Công Sơn (TP Huế). Bà Trần Thị Nga (TP Huế) cho biết: “Trận lũ vừa rồi nhà tui ngập hơn 1m. Sáng nay nước mới rút để dọn dẹp. Giờ chỉ mong dọn xong, kê đồ đạc lên cao để chuẩn bị đón bão số 6”.
“Trận lũ vừa rồi nhà tui ngập hơn 1m. Sáng nay nước mới rút để dọn dẹp. Giờ chỉ mong dọn xong, kê đồ đạc lên cao để chuẩn bị đón bão số 6”.
Bà Trần Thị Nga (TP Huế) cho biết
Anh Trần Viết Cường, ở thôn Thạch Nham Ðông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (thành phố Ðà Nẵng) vẫn còn thẫn thờ trước ngôi nhà bị sập một phần. Tối 14/10, hồ Hố Dư (xã Hòa Nhơn) bị vỡ. Gia đình anh nhanh chóng di tản. Tuy vậy, ngôi nhà vẫn bị sập một nửa. Hơn 20 nhà khác trong thôn cũng bị ảnh hưởng; trong đó, có 4 nhà bị sập hoàn toàn; các tài sản, trang thiết bị của người dân bị cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng đã hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm và kinh phí cho tất cả các hộ với hơn 40 triệu đồng.
Ở vùng ven biển thuộc 2 quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà (thành phố Ðà Nẵng) có 3 điểm sụt lún lớn. Bán đảo Sơn Trà cũng có 21 điểm sạt lở; đất đá, bùn tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng. Ngành giao thông vận tải huy động 100% quân số rà soát hiện trạng, triển khai công tác khắc phục. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Ðà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho hay: “Ðến nay, cơ bản đã thông tuyến bước 1. Hiện còn hơn 10 điểm sạt lở nặng, việc khắc phục sạt lở còn lâu dài, lực lượng chức năng sẽ cố gắng hoàn thành công tác khắc phục sớm nhất”.
UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong ngày 17/10, chính quyền địa phương phối hợp cùng cơ quan chức năng huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên xã đảo Tân Hiệp khẩn trương khắc phục sạt lở đường giao thông. Các đợt mưa lớn vừa qua đã làm cho tuyến đường giao thông trên đảo bị sạt lở, kéo dài khoảng 20m và ăn sâu vào núi hơn 2m, khiến giao thông tại 2 khu dân cư Bãi Chồng và Bãi Hương (Cù Lao Chàm) ách tắc. Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Phạm Thị Mỹ Hương cho biết, do không thể đưa các phương tiện cơ giới đến vị trí sạt lở, trước mắt, sẽ khắc phục đoạn đường tại Bãi Chồng bằng rọ đá, dặm vào các điểm sạt lở để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Do không thể đưa các phương tiện cơ giới đến vị trí sạt lở, trước mắt, sẽ khắc phục đoạn đường tại Bãi Chồng bằng rọ đá, dặm vào các điểm sạt lở để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Phạm Thị Mỹ Hương cho biết
Tại huyện Nông Sơn (Quảng Nam) trong 3 ngày qua, chính quyền địa phương huy động 3 xe múc cùng với 20 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tham gia khắc phục hậu quả sạt lở tại tuyến ÐH5 qua xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn). Ðoạn đường này bị sạt lở nặng, với khối lượng đất đá khoảng nghìn mét khối. Hiện có 170 hộ dân, với 350 nhân khẩu ở thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) bị cô lập. Dự kiến vài ngày tới, công tác khắc phục mới hoàn thành và thông tuyến cho người dân đi lại.
Tại tỉnh Quảng Trị, lúc 5 giờ ngày 17/10, người dân thị xã Quảng Trị đã phát hiện được thi thể ông V.L, 45 tuổi, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, từ trong đống đổ nát của ngôi nhà bị sập. Trước đó, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 16/10, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua đoạn trên bất ngờ sạt lở khiến 1 một ngôi nhà bị đổ sập, 2 nhà khác bị hư hỏng nặng.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền thị xã Quảng Trị nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện tiến hành khoan đục bê-tông, dùng phương tiện dọn đống đổ nát để sớm tìm kiếm ra nạn nhân. Ngay trong ngày 17/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng có mặt tại hiện trường vụ sạt lở nhằm chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ gia đình có nạn nhân tử vong 10 triệu đồng/người; gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.
Giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống
Ngày 17/10, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Ðịnh thăm, kiểm tra, động viên các hộ dân phường Hương Hồ (thành phố Huế) cố gắng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống, bảo đảm sức khỏe và việc học hành cho con em. Bí thư Thành uỷ Huế đã yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn nghiên cứu, khảo sát về hạ tầng, nâng mặt đường..., sớm khắc phục tình trạng ngập úng, chia cắt mỗi khi có lũ lụt như hiện nay. Trước mắt, phải bảo đảm các biện pháp an toàn cho bà con trong mọi tình huống.
Tối 17/10, ông Nguyễn Ðức Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên (Khu quản lý đường bộ 3) cho biết: Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị tham gia khắc phục, xử lý nhanh các sự cố trên mặt đường, triển khai 9 mũi thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ và sửa chữa triệt để, bảo đảm an toàn giao thông. Riêng Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên hằng ngày bố trí 4-5 mũi thi công với 40 nhân lực và 15 đầu thiết bị để thi công bảo đảm an toàn giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên Nguyễn Phương Ðông cũng đã chủ động kiểm tra, rà soát các tuyến quốc lộ 1, 1D, Ðông Trường Sơn qua địa bàn tỉnh; đồng thời, kiến nghị Khu Quản lý đường bộ III triển khai sửa chữa hư hỏng mặt đường, khơi thông cống rãnh thoát nước; khi thời tiết thuận lợi sẽ tổ chức sửa chữa triệt để. Ðối với các tuyến quốc lộ 25, 29, 19C và các tỉnh lộ (do Sở Giao thông vận tải quản lý), đơn vị chỉ đạo nhà thầu bảo trì đường bộ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hư hỏng.
Chương trình cứu trợ khẩn cấp được Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng và các cấp hội triển khai. Tính đến nay, đã có hơn 2.000 suất quà, nhu yếu phẩm, quần áo cho học sinh được trao cho người dân với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng Lê Thị Như Hồng cho biết: “Thời gian tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ tiếp tục kêu gọi các đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, lương thực, thực phẩm; trao sinh kế, con giống cho các hộ khôi phục kinh tế; hỗ trợ khẩn cấp, xây nhà cho 3 nhà sập hoàn toàn, 25 nhà bị sập một phần và bị trôi sạch tài sản, giúp bà con nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống”.
Trước tình hình rau xanh cung ứng đang giảm sút do nhiều vùng rau bị ngập, Sở Công thương Ðà Nẵng đã quán triệt ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương không lợi dụng mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý.
Trước tình hình rau xanh cung ứng đang giảm sút do nhiều vùng rau bị ngập, Sở Công thương Ðà Nẵng đã quán triệt ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương không lợi dụng mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý.
Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, thuộc xã Hải Lệ được đầu tư xây dựng vào năm 2016 với mục tiêu di dời khẩn cấp 40 hộ đến nơi an toàn. Ðến tháng 6/2022, dự án bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng đến nay mới có 5/40 hộ dân chuyển đến nơi ở mới. Nguyên nhân do mức hỗ trợ di dời chỉ có 20 triệu đồng/hộ là thấp. Kiểm tra hiện trường, đồng chí Hà Sỹ Ðồng đề nghị thị xã Quảng Trị tập hợp ý kiến của người dân trong vùng sạt lở để báo cáo UBND tỉnh trình HÐND tỉnh tăng mức hỗ trợ tối thiểu 100 triệu đồng/hộ dân.
Tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), một trong những địa phương hiện đang ngập nặng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài hỗ trợ mì tôm để địa phương chủ động cứu trợ cho người dân các khu vực bị ngập nặng, ngày 17/10, Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ 1 triệu đồng cùng 2 suất quà cho gia đình ông Ðặng Anh Tuấn (thôn Thanh Thủy), có vợ vừa mất sáng 16/10 do đột quỵ.
Ðến thăm và trao hỗ trợ mì tôm cho 102 hộ dân ở thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân-nơi bị chia cắt hoàn toàn do nước còn ngập sâu từ 1-1,5m, lãnh đạo thị xã đề nghị, cùng với việc quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho người dân, chính quyền địa phương phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, tổ chức ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm đầy đủ vật tư, phương tiện, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 964/CÐ-TTg gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Ðào tạo, Công thương, Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ. Theo đó, yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Ðà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở….
Theo Nhân Dân