Nhiều chính sách hỗ trợ người dân vượt qua dịch bệnh COVID-19

24/08/2021 - 06:12

 - Trước kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh An Giang (khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026), cử tri một số địa phương kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người bán vé số và người lao động (NLĐ) tự do bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. UBND tỉnh đã có ý kiến về vấn đề này.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, nhất là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo đời sống nhân dân, NLĐ, UBND tỉnh An Giang đã tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng giải pháp tích cực trong tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội; tham gia cùng chính quyền trong công tác chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” mang đậm nét văn hóa riêng của tỉnh về an sinh xã hội vì cộng đồng.

Đối với việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, với quan điểm “Không để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế lâm vào cảnh không có lương thực, thực phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày”, UBND tỉnh An Giang đề nghị UBMTTQVN tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng chính quyền, các ngành, các cấp tích cực vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, dụng cụ y tế cung cấp cho người dân.

Đến thời điểm này, 11 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện mô hình “Cửa hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và “Quầy hàng 0 đồng” với 189 địa điểm ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu, như: gạo, mì gói, rau, củ quả, nước tương, dầu ăn, hột gà, hột vịt, khẩu trang, quần áo... hỗ trợ gần 160.000 lượt hộ dân, trị giá trên 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự chia sẻ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua UBMTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện đã hỗ trợ gần 90.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình sống tại nơi bị phong tỏa, dụng cụ y tế... với tổng số tiền gần 54 tỷ đồng (tiền mặt và hàng hóa quy ra tiền), giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Người dân nghèo nhận hỗ trợ từ “Gian hàng 0 đồng”. Ảnh G.K

Đồng thời, tổ chức triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của nghị quyết là hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương trong triển khai thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 437/KH-UBND, trong đó quy định cụ thể điều kiện, phương thức, mức hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện.

Nhóm đối tượng lao động tự do bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm được quan tâm rất lớn, trước nhất là người đang bán lẻ vé số lưu động. Ngày 19-7-2021, UBND tỉnh có Công văn 719/UBND-KGVX về việc hỗ trợ người bán lẻ vé số lưu động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (13.978 người với số tiền gần 21 tỷ đồng), hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt từ nguồn tài chính của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang.

Các nhóm đối tượng lao động tự do khác do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, UBMTTQVN tỉnh và các ngành liên quan xác định đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức tiền hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Hiện, UBND tỉnh đang xem xét, cân nhắc kỹ để quyết định chính sách hỗ trợ phù hợp đối với nhóm đối tượng này trên cơ sở tăng độ bao phủ của chính sách trên địa bàn tỉnh, đưa chính sách tiếp cận đến được các đối tượng thật sự bị khó khăn bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch ở cơ sở, như cán bộ đoàn thể xã và khóm, ấp. Theo Điểm d, đ, Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP, ngày 8-2-2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù phòng, chống dịch COVID-19 có quy định: chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới,  làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển; người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm COVID-19. Vì vậy, nếu cán bộ đoàn thể xã và khóm, ấp làm công việc trên sẽ được chế độ phụ cấp chống dịch COVID-19 với mức 150.000 đồng/người/ngày.

K.N