Nhiều điểm du lịch mở cửa đón du khách

18/09/2021 - 08:24

Những ngày gần đây, một số tỉnh, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, đã cho phép các điểm du lịch cùng một số dịch vụ được đón khách, nhưng yêu cầu phải nghiêm ngặt phòng, chống dịch.

Mùa hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Ðồng Văn (Hà Giang). Ảnh: CÔNG ÐẠT

Chủ yếu đón khách du lịch nội tỉnh

Từ ngày 10/9, tỉnh Lào Cai nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khôi phục một số hoạt động kinh doanh, du lịch, dịch vụ, đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới. Ở thành phố Lào Cai, các quán ăn, nhà hàng tại khu phố ẩm thực trên tuyến đường An Dương Vương bên bờ sông Hồng sôi động từ sáng đến 21 giờ. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán phở Bò Vàng nổi tiếng ở đường An Dương Vương  phấn khởi vì khách đến ăn đông kín bàn, doanh thu tăng. Ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng cho biết, lượng khách du lịch tăng nhẹ trở lại, cuối tuần trước đã có khoảng 3.000 lượt khách đến, tăng 50 - 60% so với các tuần trước đó. Vui nhất là các cơ sở homestay ở ngoại vi thị xã Sa Pa do có rất nhiều khách du lịch nội tỉnh đến nghỉ dưỡng, tham quan những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng. Ðể bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, giữ an toàn vùng xanh khu du lịch quốc gia, thị xã Sa Pa  thực hiện nghiêm 5K và các quy định về phòng, chống dịch. Thị xã yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm việc khai báo tạm trú, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang khi phục vụ khách, sát khuẩn cơ sở thường xuyên; yêu cầu khách check mã QR để phục vụ công tác truy vết. Các xã, phường duy trì thường xuyên tổ phòng, chống dịch cộng đồng đi từng ngõ, rõ từng nhà, nắm từng người để thực hiện các quy định phòng, chống  dịch.

Những tháng cuối năm là “mùa” du lịch ở tỉnh miền núi phía bắc nước ta. Ở Hà Giang, từ tháng 9, lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần; tiếp đến là mùa hoa tam giác mạch bừng nở trên những sườn núi đá trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn. Nhờ làm tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, tỉnh Hà Giang đã mở cửa các khu du lịch; hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến chưa nhiều. Anh Triệu Mềnh Quyên, chủ cơ sở Bungalow Hoàng Su Phì ở thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) cho biết: “Làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng có 38 hộ dân, trong đó có hơn chục hộ làm homestay. Mọi năm, đến thời điểm này có lúa chín đẹp, các cơ sở lưu trú trong thôn đều kín phòng cả tuần. Nhưng năm nay, chúng tôi chỉ có khách đặt phòng vào thứ bảy, chủ nhật, chủ yếu là khách nội tỉnh. Khi khách đến, các cơ sở lưu trú đều yêu cầu du khách thực hiện thông điệp “5K”. Một số cơ sở lưu trú cũng nhận cuộc gọi từ du khách ngoài tỉnh, nhưng do dịch bệnh phức tạp, cho nên vẫn chưa dám nhận”.

Tại Thanh Hóa, sau khi chính quyền tỉnh cho phép thí điểm đón khách tại các khu, điểm du lịch, danh thắng, các địa phương khẩn trương thực thi các biện pháp phục hồi du lịch đi đôi với phòng, chống dịch. Ông Vũ Ðình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) cho biết, đơn vị đã chủ động mua sắm vật tư, trang, thiết bị phòng, chống dịch, yêu cầu khách đến tham quan di tích  bắt buộc phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung hơn 10 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm. Khoảng 10 ngày nữa đã đến ngày kỵ của Lê Lai và Lê Lợi, nhưng những ngày này, du khách thưa vắng hơn cùng kỳ nhiều năm; chỉ có ít gia đình đi xe riêng, một số nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số đến dâng hương tưởng niệm, tham quan di tích.

Những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai) là một điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: VINH PHẠM 

Xây dựng điểm đến an toàn

Việc mở cửa các điểm du lịch đón khách trở lại cũng kéo theo nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát nếu các địa phương lơ là trong công tác kiểm soát dịch. Với mục tiêu thu hút khoảng một triệu du khách trong những tháng cuối năm, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch thu hút khách du lịch trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Các cơ sở lưu trú, khu du lịch đều được yêu cầu bắt buộc đăng ký và tự đánh giá an toàn với dịch Covid-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch. Công bố mã QR tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ và giám sát công tác phòng, chống dịch thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phòng dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, mục tiêu bảo đảm Hà Giang là một điểm đến an toàn đối với du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Sở Y tế, Hiệp hội Du lịch một số tỉnh vùng xanh để bàn đưa ra các quy định cụ thể, vừa bảo đảm công tác phòng dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho du khách lên Hà Giang”. Trong những tháng cuối năm, Hà Giang sẽ giảm 50% phí tham quan tại các điểm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử công trình văn hóa. Ðồng thời khuyến khích các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí do doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá dịch vụ. Có chính sách miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng khách đi theo đoàn, khách cư trú trong tỉnh, khu vực.

Ðể thích ứng với điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Giang phối hợp Tập đoàn FPT thực hiện truyền thông, quảng bá về các sản phẩm du lịch tiêu biểu, chủ lực trên báo chí, fanpage, kênh YouTube. Bên cạnh đó là tổ chức các tour du lịch online trên nền tảng số, giúp thị trường du lịch Hà Giang dễ dàng phục hồi trở lại khi dịch đã được kiểm soát tốt. Hơn hai tháng nay, anh Hồ Trọng Tiến, nhân viên Công ty lữ hành du lịch Tân Ðông Dương (TP Hồ Chí Minh) đi khắp các điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Giang để thực hiện chương trình du lịch online do anh phối hợp với một doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện. Khách hàng của anh Tiến là những người Nhật Bản đam mê khám phá, nhưng vì dịch bệnh không thể đến Việt Nam thời điểm này. Thông qua chiếc điện thoại thông minh, anh Tiến đã giúp du khách nước ngoài được trải nghiệm những điểm đến đặc sắc của Hà Giang. Bà Tsuno Mari ở thành phố Yoko Hama (Nhật Bản) là khách hàng thường xuyên của anh Tiến cho biết: “Từ năm 1998, năm nào tôi cũng sang Việt Nam du lịch một lần. Tôi đã đi hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, nhưng chưa lên Hà Giang. Nhờ có tour du lịch online của anh Tiến nên tôi ngồi nhà cũng được trải nghiệm thực tế hình ảnh Hà Giang. Khi dịch bệnh được khống chế, nhất định tôi sẽ chọn Hà Giang trong chuyến du lịch sớm nhất đến Việt Nam”.

Theo HƯƠNG HỒNG - TOÀN LUẬN (Nhân Dân)