Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại các địa phương, đơn vị
Đánh giá toàn diện, chính xác
Đợt giám sát nhằm tìm hiểu thực tế, đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của từng đơn vị, địa phương. Trong đó, tập trung làm rõ: Tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả khả thi trong việc ban hành chính sách, pháp luật; kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, mức độ đạt được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu; lượng hóa tối đa số liệu, giá trị tiết kiệm, thất thoát, lãng phí của đơn vị, địa phương; nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm gây thất thoát, lãng phí.
Nội dung giám sát bám sát quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2020 và hàng năm. Đơn vị, địa phương được chọn giám sát phải bảo đảm tính phổ quát, tính đại diện; tập trung lựa chọn giám sát vấn đề nóng, trọng tâm được dư luận quan tâm, như: Lãng phí đất đai, đất hoang hóa, đất sai phạm, dự án treo, lãng phí tài sản công...
Trên cơ sở ủy quyền từ đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh lập kế hoạch khảo sát, giám sát 9 đơn vị trong tỉnh. Đó là khảo sát trực tiếp tại UBND huyện Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang; giám sát trực tiếp tại UBND tỉnh, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Trường Cao đẳng Y tế An Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi; đồng thời, giám sát qua văn bản đối với một số đơn vị.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến các cơ quan, đơn vị và địa phương; tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ). Công khai hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên, đa dạng bằng nhiều hình thức và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
“Cơ chế quản lý tài chính (đặc biệt là thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính) trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, giúp các đơn vị chủ động tiết kiệm, tạo nguồn tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ. Các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cơ bản theo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức và quy chế chi tiêu nội bộ. Các khoản chi được quản lý chặt chẽ, theo đúng dự toán, kế hoạch công việc, xem xét lồng ghép một số nội dung...
Từ đó, tiết kiệm kinh phí hoạt động thường xuyên để chi thu nhập tăng thêm, khen thưởng phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ; chi tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động sự nghiệp. Ngoài ra, chi an sinh xã hội, chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục thiên tai, sạt lở; chi chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội…” - ông Lê Văn Phước khẳng định.
Để việc mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và trang thiết bị làm việc đạt hiệu quả, UBND tỉnh ban hành và tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về tiêu chuẩn định mức mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại; phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước… làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm, hiệu quả.
Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc được thực hiện theo quy định về đầu tư xây dựng và đấu thầu, công khai minh bạch trong thực hiện. Cơ sở nhà, đất sau khi sắp xếp lại đã được quản lý đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Việc sắp xếp lại còn góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư, hiện đại hóa công sở tại cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, cơ quan, tổ chức hành chính từng bước tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Một số ngành, lĩnh vực đã chủ động rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và mạnh dạn chuyển đơn vị sự nghiệp trực thuộc sang thực hiện cơ chế tự chủ; chủ động huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, khảo sát tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết: “Nhìn chung, các đơn vị thực hiện khá tốt pháp luật, chính sách về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau khi yêu cầu các đơn vị báo cáo, khảo sát, giám sát trực tiếp nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là vấn đề sử dụng tài sản công, trụ sở cơ quan nhà nước, tài nguyên thiên nhiên, kinh phí xây dựng dự án…
Do đó, đề nghị tỉnh cần tiếp tục rà soát, tiếp tục sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhiều quy định của Trung ương, khi áp dụng lại gây ra lãng phí ở địa phương. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; kiến nghị giải pháp để UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương trong thời gian tới”.
GIA KHÁNH