Học sinh được thực hành với nghề. Ảnh: TTXVN
Với lối mở học nghề, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) có thể đăng ký vào học theo 3 hướng: vừa học nghề và học chương trình văn hóa phổ thông với chương trình văn hóa 4 - 6 môn tùy ngành, sau khi có bằng trung cấp (TC) nghề và hoàn thành chương trình văn hoá, các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng (CĐ); vừa học nghề và học chương trình văn hóa trung học phổ thông (THPT), sau khi tốt nghiệp học sinh đủ điều kiện học liên thông lên CĐ, đại học (ĐH). Với HS tốt nghiệp THPT, các em có thể đăng ký theo học TC nghề hoặc CĐ nghề.
Vẫn theo Bộ LĐTBXH, mạng lưới các trường TC,CĐ, Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên có khoảng 1.909 cơ sở. Nếu tính cả các làng nghề, các DN tham gia đào tạo nghề thì con số phải đến hàng trăm nghìn cơ sở. Từ đây, người học đứng trước vô vàn lựa chọn nên học nghề gì, ở đâu, theo hình thức đào tạo nào. Lời khuyên của các chuyên gia đó là cân nhắc sở thích, năng lực, điều kiện của bản thân phù hợp với ngành nghề nào và lựa chọn cơ sở uy tín để theo học. Khi đã chọn thì cần nỗ lực cố gắng, quyết tâm học và hành ngay trong mỗi tiết học, mỗi buổi thực hành.
Cùng với đó, những HS muốn lựa chọn học nghề đó là để tiến tới hội nhập thị trường lao động quốc tế, Bộ LĐTBXH đã thí điểm việc chuyển giao các gói đào tạo của các nước phát triển như của Austraylia, Đức. Đến nay, đã chuyển giao được 12 nghề của Austraylia và 22 nghề của Đức. Sau khi chuyển giao, người học có được 2 bằng song song, 1 bằng do trường Việt Nam cấp và 1 bằng của nước chuyển giao cấp. Người học có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế vì được công nhận trình độ, cơ hội việc làm rất rộng mở.
Đứng trước áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước mà đến từ chính các trường nghề trong hệ thống GDNN khi người học ngày nay có những điều kiện thuận lợi hơn trước để lựa chọn nơi học, đặc biệt nhờ sử dụng các phương tiện công nghệ nên chính các trường nghề phải liên tục cải tiến chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của DN và thị trường lao động. Gắn kết, hợp tác chặt chẽ với DN trong đào tạo là xu thế tất yếu.
Ông Vũ Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục GDNN) cho biết, để giúp các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc tuyển sinh, Tổng cục đã đưa ra các giải pháp khác nhau để các trường tăng quy mô tuyển sinh. Cụ thể, trước đây, các trường chỉ được tuyển sinh ở ngành nghề với số lượng xác định, nếu vượt quá 10% chỉ tiêu sẽ bị “tuýt còi”. Còn hiện nay, không khống chế như trước đây mà cho phép các trường linh hoạt tuyển sinh. Tổng cục đã ban hành Công văn 1046 hướng dẫn các trường làm sao để thực hiện linh hoạt tuyển sinh giữa các ngành nghề trong cùng nhóm ngành nghề. Thứ 2 là linh hoạt quy mô giữa các trình độ đào tạo trong cùng ngành nghề, cùng nhóm ngành nghề. Thứ 3 là giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành nghề đào tạo trong cùng nhóm ngành nghề.
“Để tăng cường và hỗ trợ cho các cơ sở hoạt động đào tạo, các trường được phép liên kết đào tạo với các cơ sở, các doanh nghiệp trong tuyển sinh, được phép thỉnh giảng 40% khối lượng chương trình đào tạo”, ông Hà cho hay.
Theo XM (Báo Tin Tức)