Sau hơn 10 năm thực hiện, mùa tuyển sinh này lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn chung (ngưỡng điểm tối thiểu nộp hồ sơ xét tuyển ĐH), trừ các nhóm ngành sư phạm.
(Ảnh minh họa)
Theo quy chế tuyển sinh chính quy được sửa đổi và ban hành, năm nay điều kiện tối thiểu để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển các ngành ngoài sư phạm chỉ gồm: Tốt nghiệp THPT, điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển không có môn nào bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Nắm bắt cơ hội này, không ít trường có chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, “vơ bèo gạt tép”, bất chấp năng lực của thí sinh.
Mặc dù theo quy định, Bộ yêu cầu các trường phải dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày cuối cùng là 19-7. Nhưng ngay thời điểm này, nhiều trường đã chủ động công bố điểm sàn của trường mình trong đề án tuyển sinh. Một số trường đã hạ “sàn” xuống mức rất thấp khi nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bằng kết quả kỳ thi THPT, chỉ từ tốt nghiệp hoặc chỉ trên 3 điểm/môn.
Cụ thể, Trường ĐH Bình Dương, đề án tuyển sinh trước đó ghi rõ mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH với thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2018 là 10 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển (gồm 3 môn/bài thi).
Tuy nhiên sau đó, đến ngày 30-4, cũng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, phương án 1 (xét tuyển kết quả thi) của trường này có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điều kiện xét tuyển được sửa lại là: “Theo chuẩn đảm bảo chất lượng quy định của Bộ”...
Theo lãnh đạo Bộ, hiện tượng này của các trường đã gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh.
Bên cạnh đó, mặc dù quy chế tuyển sinh đã nêu rõ việc các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo nhưng vẫn xuất hiện một số “tổ hợp lạ” không phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo. Ví dụ, tuyển sinh ngành ngôn ngữ nước ngoài nhưng không tuyển sinh tổ hợp có ngoại ngữ, hay các ngành kỹ thuật lại tuyển sinh khối C...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp... nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) khẳng định, sẽ lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để giám sát chặt chẽ quy trình tuyển sinh của trường; kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp...
Những trường có chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí dừng tuyển sinh và công khai cho người học, xã hội biết để phòng ngừa./.
Theo VOV