Nhìn vào điều tích cực từ đại dịch để thay đổi

14/12/2021 - 05:29

 - “Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận khách quan hơn về những yếu tố tích cực mà đại dịch mang lại. Từ đó, có những giải pháp thích ứng phù hợp và hiệu quả” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

TP. Long Xuyên đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới. Ảnh: THANH HÙNG

Chúng ta có gì trong năm 2021?

Tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh ước đạt 2,15%; thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra (2 chỉ tiêu không đạt gồm: Tăng trưởng GRDP và thu nhập bình quân đầu người). Lĩnh vực nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong điều kiện khó khăn, khu vực này đạt mức tăng 2,2% (năm 2020 chỉ tăng 1,97%). Kim ngạch xuất khẩu lần đầu đạt trên 1,12 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh còn nhiều tiềm năng khai thác, khi các doanh nghiệp (DN) biết tổ chức lại sản xuất, xây dựng vững chắc chuỗi cung ứng và liên kết tiêu thụ hàng hóa với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ chế biến sâu và nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm qua giảm bình quân 1-1,2%, khi tỉnh huy động nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội kịp thời cho gia đình chính sách, người lao động mất việc, lao động tự do, gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm linh hoạt, hiệu quả, an toàn, tỷ lệ tử vong ở mức thấp hơn nhiều so thế giới. Lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã làm tất cả những gì có thể trong điều kiện khó khăn, không kể ngày đêm, lo cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Tình hình phạm pháp hình sự giảm so cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…

Người dân chú trọng đến sức khỏe nhiều hơn. Ảnh: THANH HÙNG

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, DN và toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị. Kết quả này dù chưa đạt như kỳ vọng chúng ta mong muốn, thế nhưng chúng ta tích lũy được 5 điều tích cực sau nhiều tháng qua.

“Thứ nhất, COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể ý thức của nhân dân trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân. Hiện nay, mọi người thay đổi thói quen trong sinh hoạt, giao tiếp, học tập... theo hướng khoa học hơn, an toàn hơn; xem việc đeo khẩu trang như nét văn hóa. Thứ hai, đây là cơ hội để rà soát, đánh giá năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống y tế để đầu tư, nâng cấp; đảm bảo tốt nhiệm vụ của ngành y tế trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài. Thứ ba, thúc đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành hàng, sản phẩm; sắp xếp lại mô hình liên kết sản xuất phù hợp tình hình mới. Thứ tư, tạo sức ép phải đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp; tăng nhanh mô hình kinh doanh hiện đại (như sàn giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...). Cuối cùng, trong công tác quản lý xã hội có nhiều thay đổi; phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước để phù hợp xu thế phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Tinh thần "Tương thân tương ái" phát huy mạnh trong đại dịch. Ảnh: H.C

4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm mới

Theo dự báo, tình hình trong năm 2022 vẫn chưa hết khó khăn do dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, “sức khỏe” của DN chưa hồi ph, một số lĩnh vực ngành hàng trọng yếu tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức mới… Đây là năm thứ 2 của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn. Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của năm mới là 5,2%, một thách thức không nhỏ. Thế nhưng, càng khó khăn, càng phải nỗ lực tối đa, không thể chùn bước.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh vừa qua, nhiều vấn đề được mổ xẻ, phân tích, đánh giá. Trong đó, vấn đề được lưu tâm nhiều nhất nằm ở nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh khẳng định, đây vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới; không thể đánh đổi tính mạng nhân dân với bất cứ thứ gì và bất cứ lý do gì. Sau đó là đẩy nhanh việc phục hồi và phát triển kinh tế để tạo nguồn lực đảm bảo cho công tác nhiệm vụ phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chỉ khi có nguồn lực thì mọi vấn đề tiếp theo mới tính toán được.

Người dân cùng nhau chia sẻ khó khăn trong đại dịch. Ảnh: THANH HÙNG

Những vấn đề quan trọng khác là thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, của DN giúp phục hồi kinh tế nhanh và bền vững; phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới trong tình hình mới.

Toàn Đảng, toàn dân xốc dậy niềm tin, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên. Như cách diễn đạt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế năm 2021 mới đây: Chúng ta vẫn phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình. Phải lạc quan, tự tin vào chính mình, tự tin với khả năng biến “nguy” thành “cơ”, tự tin trong việc tìm kiếm cơ hội giữa những thách thức, khó khăn!

GIA KHÁNH