Một sớm yên bình tháng 5, tôi trở lại quê hương Bác Tôn - cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Một chuyến đi gợi lại trong tôi biết bao điều bâng khuâng khó tả, tự hào về vùng đất đã sinh ra người con ưu tú của quê hương An Giang, đất nước Việt Nam - người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao bức trướng tặng Đảng bộ và nhân dân An Giang. Ảnh: Trung Hiếu
Đi trên những con đường trải nhựa thẳng tắp, nhiều ngôi nhà mới khang trang giữa bốn bề cây xanh rợp bóng mát ở xã nông thôn mới nâng cao Mỹ Hòa Hưng, càng tự hào hơn khi quê Bác ngày càng khởi sắc, lan tỏa động lực để An Giang vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển. “Mấy năm nay, đời sống của người dân phát triển rõ rệt. Nhờ sự định hướng của lãnh đạo các cấp, người dân chúng tôi phát triển sản xuất đúng hướng, chăn nuôi và làm du lịch homestay. Từ đó, thu nhập tăng thêm, góp phần xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp” - ông Tư An (người dân xã Mỹ Hòa Hưng) chia sẻ.
Thăm hỏi gia đình chính sách. Ảnh: NGÔ CHUẨN
Với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ và nhân dân An Giang đã phấn đấu đạt những thành tựu to lớn. Từ tỉnh thiếu lương thực trong những năm đầu sau giải phóng, đến nay An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, An Giang quyết tâm trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo. Với sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong lãnh đạo, điều hành, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh nhà không ngừng được nâng lên; phát huy đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KTXH), giữ vững quốc phòng - an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại.
Tặng “Tủ sách của những ước mơ” cho Thư viện tỉnh An Giang. Ảnh: THANH HÙNG
Năm 2022, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH, An Giang đã có nhiều khởi sắc, tạo khí thế mới, động lực mới. Tất cả 15/15 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 6,87%, vượt kế hoạch đề ra (5,2%). Khu vực nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế.
Điểm sáng hoạt động du lịch đón hơn 7 triệu lượt khách tham quan; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.300 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ… Quý I/2023, KTXH của tỉnh tăng trưởng khá tốt, GRDP tăng 5,3%. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển KTXH gắn với học tập và làm theo gương Bác Hồ, Bác Tôn; xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Ảnh: TRUNG HIẾU
An Giang đang bước vào chặng đường phát triển mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh”.
Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: TIẾN HƯNG
Định hướng phát triển KTXH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định mục tiêu GRDP tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ. An Giang phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long…
Tại lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, để tiếp tục phát triển và có đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước và địa phương, An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên. Cùng với đó, An Giang cần đánh giá đúng tiềm năng, vị trí, vai trò của tỉnh trong tổng thể phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước; xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội, thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới. Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến.
“Chúng ta tin tưởng rằng, sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương An Giang sẽ là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang chung tay, đoàn kết, phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển quê hương An Giang ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
HỮU HUYNH