Nhớ chuyến hải trình đầu xuân!

09/01/2020 - 19:21

 - Suốt 1 tuần lễ, Bộ Tư lệnh Vùng 5 đã phối hợp Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam 9 tỉnh, thành phố; Trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và gần 60 nhà báo của 37 cơ quan báo chí, truyền hình trong cả nước đi thăm, chúc năm mới Canh Tý 2020 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên các đảo Tây Nam của Tổ quốc.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

Ngày 26-10-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập các vùng duyên hải, trong đó có Vùng 5 duyên hải. Vùng 5 Hải quân là tên gọi từ ngày 27-10-1978. Đến tháng 1-2011 được phát triển lên thành Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Hiện nay, các lực lượng của Vùng 5 Hải quân đóng quân trên 9 địa điểm thuộc 3 tỉnh, thành phố (Kiên Giang, Cà Mau, TP. Cần Thơ).

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Khoai

Giai đoạn 1977-1978, trên biên giới và vùng biển Tây Nam liên tiếp diễn biến phức tạp, căng thẳng. Trên biển, tàu Hải quân Khmer đỏ nhiều lần xâm phạm trắng trợn vùng biển của ta, uy hiếp và vây bắt tàu cá của ngư dân ta đang làm ăn trên biển; có nhiều hành động phá hoại, xâm lấn vùng biển của ta. Do đó, trong vòng 3 năm sau khi thành lập, Vùng 5 Hải quân vừa nỗ lực xây dựng lực lượng, vừa khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, trở thành một bộ phận lực lượng phòng thủ, tấn công mạnh của Quân chủng Hải quân trên một hướng biển, đảo có tầm quan trọng chiến lược, đủ sức sẵn sàng đảm nhiệm các nhiệm vụ mới của Quân đội, Quân chủng giao cho. Sau chiến dịch Tây Nam, lực lượng lại có thêm 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia chiến đấu, củng cố chính quyền; tổ chức hàng trăm trận đánh trên biển và trên bộ, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, diệt và làm bị thương 933 tên, bắt sống 2.145 tên…

Những năm tháng hòa bình, toàn Vùng 5 nhanh chóng củng cố lực lượng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tập trung xây dựng Vùng 5 vững mạnh về chính trị, rèn luyện cho bộ đội bản lĩnh kiên định, vững vàng, ý chí chiến đấu cao, yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Từ những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, Vùng 5 đã vinh dự được nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Angkor (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Campuchia), Huân chương Hữu nghị. Đảng, nhà nước ta tặng Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, ba; 3 tập thể được tuyên dương và 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 3.800 CBCS được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Gia đình ông Hoàng Trung Luyện đón Tết đầu tiên có điện

Vùng biển Tây Nam do Vùng 5 quản lý được tính từ cửa sông Ghềnh Hào (Bạc Liêu) đến TP. Hà Tiên (Kiên Giang), có chiều dài hơn 450km, diện tích khoảng 150.000m2. Ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia; có trên 130 đảo lớn, nhỏ. Vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, xây dựng cơ sở dịch vụ nghề cá; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.

Bước chân vững như lòng

Nhờ có những chuyến đi công tác hàng năm do Vùng 5 Hải quân tổ chức, lãnh đạo các địa phương và đội ngũ làm báo chúng tôi mới có điều kiện tiếp xúc và hiểu sâu sắc hơn sự hy sinh thầm lặng, tình yêu biển, đảo, quê hương của mỗi CBCS và nhân dân tại các đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đó là những giây phút lắng lòng tại đền thờ Thổ Châu (đảo Thổ Chu, Kiên Giang). Nơi đây, chỉ 10 ngày sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Polpot đã đưa quân đánh chiếm đảo; bắt, đưa đi và sát hại hơn 500 đồng bào vô tội, gây ra những đau thương mất mát to lớn cho nhân dân. Để tiến công giải phóng đảo, hàng chục CBCS Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Năm 2011, đền thờ Thổ Châu được xây dựng, trở thành địa chỉ tâm linh để nhân dân trên đảo cùng đồng bào, đồng chí và du khách thập phương đến tưởng niệm, ghi công.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối

Chuyến đi giúp chúng tôi nếm trải phần nào khó khăn, vất vả trên từng hòn đảo. Dù nhiều công trình an sinh, văn hóa, xã hội được đầu tư xây dựng, nhưng trở ngại vẫn còn đó. Để đến được trụ sở các đơn vị đang đứng chân ở đảo Hòn Khoai, chúng tôi phải lội bộ nhiều km liên tục, băng qua con đường rừng dốc ngược, cheo leo hiểm trở. Không có dân cư sinh sống trên đảo, mọi sinh hoạt của CBCS 4 lực lượng (Trạm ra đa 595, Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân), Đồn Biên phòng 700 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau), Trạm Hải đăng Hòn Khoai (Bộ Giao thông - Vận tải) và Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau) trở nên bất tiện, vất vả gấp nhiều lần. Ở đảo Hòn Chuối, địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Hơn 40 hộ dân, 130 nhân khẩu sống bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy - hải sản. Đám trẻ con hàng ngày vượt quãng đường hơn 600 bậc thang (đi lẫn về) để đến lớp học tình thương do cán bộ biên phòng tổ chức. Từng giọt nước ngọt quý hơn vàng, được mọi người sử dụng chắt chiu, tiết kiệm.

Đến xã đảo An Sơn (Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) mới thấm thía vị mặn của mồ hôi, nước mắt người bám biển. Trên đất, biển Kiên Giang vào ngày 2, 3-11-1997, cơn bão số 5 đã làm 460 người chết, 335 người bị thương; 2.383 tàu chìm; 3.210 nhà sập, 20.537 nhà bị tốc mái. Mất mát quá lớn, đến mức một tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão số 5 đã được dựng lên tại xã đảo. Bình yên, phát triển của hôm nay là nỗ lực lớn lao vượt qua sóng gió của quá khứ.

Nhưng lạ thay, tất cả CBCS, người dân chúng tôi tiếp xúc trong suốt cuộc hành trình đều có bước chân vững như lòng. Sau thảm sát, mãi đến năm 1993, 17 hộ dân đầu tiên được đưa ra đảo Thổ Chu, nay đã phát triển thành gần 500 hộ, với hơn 1.800 nhân khẩu sinh sống. Chị Hồ Thị Giao Ha, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, là một trong số người dân đầu tiên sinh sống. Để rồi giờ đây, chị vừa giữ vai trò quản lý địa phương, vừa có một gia đình nhỏ trên xã đảo này.

“Nơi đây trở thành quê hương rất đặc biệt với tôi. Đi công tác xa đảo mấy hôm, tôi thấy nhớ đảo vô cùng, chỉ mong nhanh chóng quay lại. Tôi thích cuộc sống bình yên nơi đây!”. Trung sĩ Trần Minh Tâm (Trạm ra đa 595) còn vài ngày nữa ra quân, kết thúc 2 năm tham gia nghĩa vụ. Chưa về nhà ăn Tết, mà bạn đã nhớ quay quắt đồng đội, những tháng ngày vất vả mà vinh quang, những đêm ôm đàn hát đẩy lùi sự tĩnh lặng của đảo vắng người, biết bao kỷ niệm buồn vui từ thuở đầu mặc áo lính… Quân ngũ rèn luyện bạn từ một người nóng tính, bồng bột trở nên kiên cường, hiểu chuyện, kỷ luật, và bạn rất thích sự thay đổi tích cực ấy của bản thân.

Vợ chồng ông Hoàng Trung Luyện (70 tuổi, ngụ Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên, Kiên Giang) đón cái Tết đầu tiên trong ánh sáng điện rực rỡ, chẳng khác gì ở đất liền. “Chúng tôi muốn sống ở đây đến khi nào không thể nữa. Mà nói thật, ở đảo dễ sống lắm, tuy bất tiện về giao thông, nhưng được quan tâm đầu tư nhiều thứ. Đám con nít đi học 1 buổi, buổi còn lại bắt ốc đem bán cho du khách cũng đủ tiền tiêu vặt. Người lớn thì đánh bắt cá, làm dịch vụ du lịch… khỏe re”. Những câu trò chuyện, giãi bày chân tình của họ khiến chúng tôi ấm lòng, chẳng còn sợ con sóng chông chênh nữa.

“Ta yêu sao làng quê non nước mình”

“Trong hơn 6 ngày, đoàn công tác đã tổ chức thăm, động viên, chúc mừng năm mới 24 đầu mối ở 5 đảo, với tổng số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng. Qua đó, đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng CBCS và nhân dân trên các đảo khi đoàn công tác đến thăm. Thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia đoàn công tác lần này với biển, đảo của Tổ quốc. Thành công của chuyến công tác có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ báo chí đã kịp thời viết hàng trăm tin, bài, phóng sự về hoạt động của đoàn công tác” - đại tá Lê Xuân Phong, Phó Chính ủy Vùng 5 Hải quân, Trưởng đoàn công tác nhận định.

Lá cờ Việt Nam được mang ra từ đất liền, đỏ thắm trên đảo Hòn Chuối

Đội ngũ làm báo khắp các vùng, miền có dịp cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với lãnh đạo Vùng 5 Hải quân, các địa phương phía Nam trên chuyến tàu 632 (Tiểu đoàn 511, Lữ đoàn 127). Đêm, chúng tôi lắc lư trên tàu, chia nhau từng khoảnh khắc trải nghiệm sóng gió; nhường nhau từng không gian nhỏ hẹp để nghỉ ngơi; giao lưu trò chuyện mãi vẫn không ngớt chuyện cần nói. Sáng, chúng tôi lắng nghe những bài hát về biển vang vọng trên boong tàu, thư thái ngắm bình minh dần mọc phía cuối chân trời, những hòn đảo xinh đẹp của Tổ quốc dần hiện ra. Suốt quãng thời gian còn lại của ngày, chúng tôi tất bật làm nhiệm vụ được giao trên các đảo, mãi đến chiều tối mới quay trở lại tàu. Đến lúc nhìn lại, mới phát hiện đã là ngày cuối cùng của năm 2019. CBCS phụ trách tổ chức đoàn công tác vội mượn nhánh mai vàng và dây đèn chớp trên đảo Hòn Khoai, gom tất cả những gì tươm tất nhất đang có trên tàu, sắp xếp thành mâm chưng Tết, cắt vội dòng chữ “Chúc mừng năm mới” trong con sóng vỗ mạnh thân tàu. Đúng 23 giờ, chúng tôi quây quần cùng nhau, lấy tiếng còi tàu thay cho pháo hoa, lấy lời ca tiếng hát “cây nhà lá vườn” thay cho chương trình nghệ thuật hoành tráng. Trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa thập kỷ cũ và mới, chúng tôi đi công tác xa nhà, xa quê hương, xa gia đình, nhưng chúng tôi được ở bên nhau, là gia đình của nhau, cùng trải nghiệm thời khắc thiêng liêng ấy.

Một góc đảo Nam Du

Suốt hải trình, chúng tôi cho đi và nhận lại rất nhiều lời chúc. “Tình cảm và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân ở đất liền luôn hướng về biển, đảo. Mong rằng, các đồng chí vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân đã giao để giữ gìn biển, đảo quê hương mình. Sau mỗi chuyến đi như thế này, chúng tôi sẽ tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, chăm lo và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh, cùng biển, đảo giữ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ” - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng, Trưởng đoàn công tác An Giang chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân bày tỏ: “Các địa phương đã thường xuyên quan tâm, dành cho chúng tôi cả vật chất và tinh thần, đặc biệt hàng năm đều tổ chức các đoàn thăm, chúc Tết động viên CBCS vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương cử phóng viên trực tiếp thâm nhập, tiếp xúc với bộ đội viết bài, đưa tin tuyên truyền cuộc sống, học tập, sinh hoạt của bộ đội. Những việc làm đó đã động viên, giúp chúng tôi tự tin, tự hào, yên tâm vượt qua mọi khó khăn vất vả, yên tâm gắn bó với biển, đảo. Chúng tôi thật sự cảm động”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH