Trình bày với phóng viên Báo An Giang, anh Phạm Ngọc Tùng (sinh năm 1977, ngụ tổ 7, ấp Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Cả đời làm lụng, cha mẹ tôi tạo dựng được mảnh đất nhỏ trong con hẻm này. Đến ngày họ qua đời vẫn chưa có được căn nhà đàng hoàng. Tôi có 3 người chị, 1 em gái nhưng mỗi người đều tự lo gia đình mình. Năm 2000, mẹ tôi bệnh nặng. Ngoài vay mượn tiền từ người quen, cha tôi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) vay 10 triệu đồng chữa trị cho mẹ, 2 năm sau bà qua đời. Việc đẩy xe bán trái cây của vợ tôi và nghề làm phụ hồ của tôi chỉ tạm sống. Khi cha tôi bệnh, vợ chồng tôi phải vay tiền "nóng" để chữa trị cho ông, tháng 7-2016, ông qua đời. Đến thời điểm này, số tiền vay cộng lãi đã đội lên 29 triệu đồng. Thấy tình cảnh của tôi, các chị quyết định giao căn nhà tạm trên đất để tôi quản lý, nhang khói. Em gái tôi liên tục vắng nhà, không liên lạc được.
Tháng 1-2017, 3 chị tôi đến Phòng Công chứng số 1 tỉnh An Giang làm thủ tục giao QSDĐ, nhà cho vợ chồng tôi. Nhờ người quen chuyển QSDĐ từ cha sang, tôi tiếp tục vay "nóng" 20 triệu đồng để lo chi phí. Sau mấy tháng chờ đợi, tôi tá hỏa nhận đến 2 “giấy đỏ” ghi nội dung “quyền cùng sử dụng” giữa tôi và em gái Phạm Thị Thúy. Được tin, em gái tôi đòi chia di sản thừa kế, hoặc phải đưa vài chục triệu đồng, trong khi tổng số tiền vay "nóng" của tôi đã đội lên 50 triệu đồng, trả lãi 10%/tháng”.
Phóng viên tìm gặp người hỗ trợ làm “giấy đỏ” cho anh Tùng, nhưng người này vừa qua đời. Được biết, người này lại nhờ người khác lo giúp thủ tục, chi phí 15 triệu đồng. “Tôi có gọi người đó, tìm hiểu về việc làm sai nội dung chuyển quyền. Lúc đầu, người đó trao đổi chung chung cho qua. Gần đây thì tắt máy, thi thoảng điện thoại reo nhưng không nghe” - anh Tùng cho biết thêm.
Nhiều lần tìm cách liên hệ đến chị Phạm Thị Thúy, phóng viên được anh Hồ Văn Kiệt (chồng chị Thúy) cho biết: “Được hưởng thừa kế là quyền được pháp luật quy định. Do đó, vợ tôi đề nghị vợ chồng anh Tùng phải đưa tiền, phải thỏa thuận rõ ràng, chúng tôi mới chuyển QSDĐ lại cho vợ chồng họ”.
Về việc này, 3 người chị gồm: Phạm Thị Kim Cương, Phạm Thị Kim Hương, Phạm Kim Phượng thông tin: “Chị em tôi đã đến Phòng Công chứng số 1 làm thủ tục giao quyền sử dụng nhà đất của cha mẹ tôi để lại cho vợ chồng, 2 con của em Tùng. Về phần thừa kế của em Thúy, chúng tôi không ý kiến. Nhưng chỉ đề nghị em Thúy cần có nghĩa vụ liên đới chi trả tiền nợ của cha mẹ trước đây, nhằm gánh vác tiếp cho gia đình em Tùng. Chuyện tranh chấp, Tùng và Thúy nên gặp nhau thỏa thuận, tránh tình anh em sứt mẻ”.
Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Di sản của ông Phạm Hoàng Huynh, bà Nguyễn Thị Hoàng (cha mẹ ông Tùng, bà Thúy) do không để lại di chúc nên chia ra 5 phần di sản. Trong đó, ông Tùng được 3 người chị cho 3 phần của mình nên hưởng đến 4. Phần còn lại của chị Thúy, nếu không thỏa thuận được, anh Tùng phải chi cho người này theo tỷ lệ. Nếu thỏa thuận được, chị Thúy sẽ làm thủ tục đổi, tặng, cho tài sản đối với anh Tùng theo quy định của pháp luật. Đến lúc đó, giấy chứng nhận QSDĐ của 2 người ghi “quyền cùng sử dụng”, sau đó chỉ còn 1 người”.
Đồng tình quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng thông tin: “Nếu người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế phải được chia theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do cha mẹ để lại. Những người trong cuộc có quyền cho, tặng ai đó quyền thừa kế của mình và không ai ngăn cản quyết định của họ”.
Anh Tùng trước căn nhà cha mẹ để lại
Bài, ảnh: N.R