Giá trị gia đình, tình bạn được nhấn mạnh trong mỗi bộ phim. (Ảnh chụp màn hình)
Phim Tết xưa trên truyền hình gợi về những giá trị truyền thống, mang nhiều vẻ hoài niệm khi xem lại từ thời hiện đại. Mỗi bộ phim đều gửi gắm những giá trị bất biến của người Việt, đặc biệt là của gia đình, tình thương trong dịp năm mới.
Hai bộ phim năm mới hiếm hoi xoay quanh chủ đề ước mong của trẻ em là “Quà năm mới” và “Ngày Tết nhiệm màu.” Dù không đặc biệt được quan tâm như những bộ phim hài khác nhắm tới khán giả trưởng thành nhưng hai bộ phim vẫn được ghi dấu là đáng xem mỗi dịp đoàn viên.
Món quà về tình bạn
“Quà năm mới” là phim truyền hình một tập của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, kể về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ song cũng đầy ý nghĩa giữa ba cậu bé có gia cảnh hoàn toàn trái ngược. Bộ phim được phát sóng vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2000, trong chương trình Văn nghệ Chủ Nhật của kênh VTV3.
Bộ phim có sự tham gia của nhiều gương mặt truyền hình kỳ cựu như cố Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng, Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, cố Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Yến… cùng một số gương mặt nhí Hoàng Duy (con trai nghệ sỹ Hoàng Dũng) và Phạm Đỗ An Nguyên (con trai của nghệ sỹ Lan Hương “Bông”).
Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Danh Dũng cũng chính là đạo diễn của loạt phim truyền hình đình đám thời gian gần đây như “Người phán xử,” “Hương vị tình thân” và “Về nhà đi con.” “Quà năm mới” là một trong những tác phẩm đầu tiên mà ông thực hiện ở cương vị đạo diễn kể từ năm 1998.
Câu chuyện đi Tết thầy vô tình mang ba cậu bé đến gần nhau trong dịp Tết. (Ảnh chụp màn hình)
Bộ phim bắt đầu khi Hiếu cùng bố (hai diễn viên Hoàng Duy, Hoàng Dũng vào vai) trở về Việt Nam sau thời gian dài sinh sống ở nước ngoài. Vốn quen sống tự lập, lại xa lạ với cuộc sống mới nên Hiếu chỉ muốn ở nhà để được kết nối và nói chuyện với bạn bè cũ ở nước ngoài. Vì vậy, bố Hiếu đã tặng cho cậu bé một món quà giúp cậu có "cả thế giới trong căn phòng."
Tuy nhiên, cả thế giới đâu thể được chiêm ngưỡng, trải nghiệm chỉ trong một không gian chật hẹp. Vì đã lâu không về nước, Hiếu trăn trở không biết phải kể gì về Tết của nước mình cho những người bạn quốc tế.
Trong khi đó, cậu bé Duy bị mẹ (hai diễn viên Phạm Đỗ Nguyên và Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương) giao nhiệm vụ đến biếu quà Tết cho thầy để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Vì ngại đi một mình nên Duy đã rủ Hiếu cùng đi. Trên đường, cả hai gặp Đản - một cậu bé đánh giày và vô tình được biết hoàn cảnh nghèo khó của những người lao động trên đường phố như cậu.
Cuộc gặp gỡ đã giúp Hiếu nhận ra nhiều bài học và được nhận được thêm một món quà vô giá khác – một món quà mà cậu vô cùng xứng đáng. Câu chuyện được phóng tác dựa trên truyện ngắn “Đi tết thầy” của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Sau nhiều năm, bộ phim vẫn giữ được giá trị và hay được nhắc đến, tìm xem mỗi dịp Tết đến.
Ngày Tết có gia đình
Dù có đi xa đến bất cứ đâu, dù là vì công việc hay mục đích nào khác thì khi đến Tết, ai cũng mong được sum vầy với những người mình yêu thương.
Nếu như Hiếu trong “Quà năm mới” nhận được những món quà từ tình bạn, thì món quà lớn nhất với cậu bé Dũng trong “Ngày Tết nhiệm màu” là một gia đình đầy đủ. Bộ phim ra mắt năm 1997 và từng được chiếu trên hệ thống kênh của VTV, HTV7, có sự góp mặt của nhiều diễn viên truyền hình quen thuộc như Nghệ sỹ nhân dân Trung Anh, Nghệ sỹ ưu tú Minh Phương, Bá Anh…
Cô Hà (Nghệ sỹ ưu tú Minh Phương) hồi còn trẻ là một người thùy mị, nết na nhưng đã quá tuổi cập kê mà vẫn còn đơn bóng. Trong một lần yếu lòng, cô đã vô tình có mang, phải đứng trước quyết định phá thai vì sợ bị người đời đàm tiếu. Nhưng với khát khao làm mẹ và tình yêu thương với đứa con trong lòng, cô quyết định giữ lại và hạ sinh đứa bé.
Từ những mảnh ghép không hoàn hảo thành một gia đình. (Ảnh chụp màn hình)
Khi lớn lên, cậu con trai tên Dũng (diễn viên nhí Anh Quân thủ vai) bắt đầu nhận ra hoàn cảnh đặc biệt của mình và đòi có bố. Vì thương con nên cô đã nói dối rằng đến Tết, bố của cậu bé sẽ về. Anh Phú (Nghệ sỹ nhân dân Trung Anh) là một người bảo vệ, đầu đã dần có hai thứ tóc nhưng mãi không chịu lấy vợ. Ngay cả khi được làm mối cho một cô gái sinh đẹp, nết na và toàn tâm toàn ý làm vợ, anh cũng không lập gia đình với cô.
Những câu chuyện xảy ra trong phim sẽ dần tiết lộ số phận của mỗi nhân vật. Số phận run rủi, đưa đẩy đã mang những mảnh ghép khuyết thiếu lại với nhau để có được cảm giác giống như đoàn viên vào đúng ngày Tết. Cái kết gợi lên thông điệp đậm chất truyền thống về giá trị của gia đình, nơi có điểm tựa tinh thần vững chãi.
Bộ phim không có cao trào, chỉ đều đều diễn ra với một số kịch tính nhẹ nhàng, song vẫn có thể thỏa mãn và khiến người xem cảm thấy ấm lòng.
Với sự hiếm hoi của phim Tết cho trẻ em hiện nay, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (“Thung lũng hoang vắng,” “Tâm hồn mẹ”...) cho biết dòng phim này vốn có đòi hỏi khá cao vì phải làm việc với trẻ nhỏ. Tính đặc thù của dòng phim này vì thế cũng cao hơn và khó chỉ đạo hơn so với phim có diễn viên trưởng thành.
Chính vì vậy, những bộ phim Tết về trẻ em hoặc xoay quanh ước muốn của trẻ thơ như “Quà năm mới” và “Ngày Tết nhiệm màu” vẫn khẳng định được giá trị của nó, đặc biệt là trong dịp Tết đoàn viên, sum vầy.
Theo MINH ANH (Vietnamplus)