Nhớ về “thủ đô kháng chiến”

23/08/2023 - 18:45

 - Đó là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là cửa ngõ vùng Việt Bắc. Tỉnh Thái Nguyên xưa nay luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm An toàn khu (ATK) Trung ương – thủ đô kháng chiến của cả nước.

Bác Hồ, Bác Tôn và đồng chí Hoàng Quốc Việt trò chuyện tại ATK

Dấu ấn Thái Nguyên

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bằng tầm nhìn chiến lược, tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp, nên ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc, lựa chọn địa điểm xây dựng ATK cho Trung ương. Người khẳng định: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Người còn nhận định, Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng, “tiến có thể đánh, lui có thể giữ và Nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”, “lòng yêu nước của đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi rừng thành một lực lượng vô địch”. Trong đó, ATK Định Hóa trở thành nơi giữ vai trò rất quan trọng của thủ đô kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhìn nhận: “Định Hóa là ATK tuyệt mật, nhằm đảm bảo an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”.

Trung tâm ATK gồm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng… Nơi đây, còn có nơi ở và làm việc của cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội và các tổ chức đoàn thể: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh, Cục Quân nhu, Cục Chính trị, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc…

Từ mảnh đất này, nhiều quyết định quan trọng, liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời, nhiều sự kiện quan trọng được diễn ra, như: Hội nghị tuyên dương Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất; lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên cho đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác trong quân đội. Đây cũng là nơi đầu tiên tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong kháng chiến kiến quốc, chiến dịch lớn, như: Chiến dịch phản công Việt Bắc, Chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, Biên giới, Trung du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc Sầm Nưa. Đặc biệt, tại nơi đây, Bộ Chính trị đã phê duyệt kế hoạch tác chiến, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, mảnh đất trung tâm “Thủ đô gió ngàn” diễn ra nhiều cuộc đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới. Tháng 1/1950, từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm Trung Quốc và Liên Xô, mở ra thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Ngày 1/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng tại nơi đây, tháng 10/1947, Bác Hồ viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều tư liệu, hình ảnh quý được trưng bày

Bước chân người cộng sản họ Tôn

Chiến khu Việt Bắc nhớ mãi những bước chân của người cộng sản xuất thân từ quê hương An Giang, mang tên Tôn Đức Thắng. Nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, Người cùng sát cánh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo chủ chốt tham dự nhiều hoạt động quan trọng: Hội nghị thi đua ái quốc (tháng 6/1949); Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (tháng 3/1951); Đại hội liên minh Việt - Miên - Lào (năm 1951)…

Nhân dịp Khu trưởng Khu VIII Nam Bộ ra báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình cuộc kháng chiến, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến thăm đoàn, trao đổi thân tình: “Tôi đã nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến nhưng Bác Hồ chưa đồng ý. Đề nghị đồng chí, đề nghị đoàn về báo cáo lại với Xứ ủy và với đồng bào Nam Bộ rằng, Tôn Đức Thắng là người con của Nhân dân Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, nghĩ tới xứ sở mà mình đã sinh ra và đã từng hoạt động”. Trong thời gian này, Ban Thường trực Quốc hội đã phân công ủy viên đi các địa phương ở Liên khu III, liên khu Việt Bắc, động viên Nhân dân kháng chiến. Bác Tôn được giữ chức Quyền trưởng ban.

Nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá thời kỳ ấy được lưu lại: Bác Tôn trao đổi công việc với Bác Hồ, đồng chí Hoàng Quốc Việt; Bác Tôn với lãnh đạo Hội đồng Chính phủ và Thường trực Quốc hội; hiện vật giấy, cối xay ngô, chăn sui, ấm đun nước... tại ATK Việt Bắc, khi Bác Tôn làm Trưởng ban thi đua ái quốc, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt... Những hình ảnh tái hiện phần nào quá trình hơn 3.000 ngày Bác Tôn ở, làm việc tại các huyện ATK: Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa. Tất cả in dấu Bác Tôn chia ngọt sẻ bùi, được đồng bào các dân tộc chở che, bảo vệ, để Người yên lòng tham gia lãnh đạo kháng chiến kiến quốc đi tới thắng lợi.

“Chúng tôi cất công sưu tầm nhiều tư liệu lịch sử liên quan Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong thời gian Bác ở, làm việc tại ATK Trung ương; thường xuyên sử dụng vào quá trình tuyên truyền, triển lãm ở địa phương. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023), tôi bày tỏ ý tưởng tổ chức trưng bày những tư liệu này, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, An Giang thống nhất. Từ đó, lần đầu tiên trưng bày chuyên đề “Thái Nguyên - mảnh đất chiến khu xưa” được phối hợp thực hiện, trên chính quê hương Người (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên)” - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Lương Thị Duyên thông tin.

“Triển lãm là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ - Bác Tôn; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin của mọi đảng viên, Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước” - Giám đốc Ban Quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng Nguyễn Thị Mỹ Diệu chia sẻ.

Trên 100 hình ảnh, tư liệu giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ tại ATK Thái Nguyên; di tích nơi ở, làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng; sự kiện, hình ảnh nổi bật của tỉnh Thái Nguyên và An Giang thời kỳ đổi mới được tập hợp. Trưng bày chuyên đề diễn ra từ ngày 18/8/2023 đến 28/2/2024.

GIA KHÁNH