Nhóm chuyên gia WHO chính thức 'lật lại' cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19

26/11/2021 - 14:10

Nhóm chuyên gia mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới đã bắt đầu quá trình tái điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2, với cuộc họp đầu tiên hôm 24-11.

Nhóm "Cố vấn Khoa học về Nguồn gốc của mầm bệnh mới" (Sago) - gồm 27 chuyên gia được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới - đã có cuộc họp đầu tiên vào 24-11.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhóm sẽ tiến hành "một công việc quan trọng trong thời điểm quan trọng".

“Như bạn đã biết, việc chính trị hóa nguồn gốc của virus corona đã trở thành một rào cản nghiêm trọng đối với quá trình khoa học nhằm tìm hiểu nguồn gốc của loại virus này. Điều đó khiến cả thế giới gặp rủi ro. Mục đích của nhóm này là đưa sự tập trung quay trở lại khoa học, một cách toàn diện", ông nói.

Nhóm chuyên gia WHO chính thức "lật lại" cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19. (Ảnh minh họa)

Đã hai năm trôi qua kể từ khi virus SARS-CoV-2 được cho là bắt đầu lây sang người. Điều này sẽ khiến các nhà khoa học khó lần ra manh mối về nguồn gốc virus hơn - chẳng hạn như kháng thể trong máu của người và động vật.

Trong bối cảnh đó, Sago được giao nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị cho WHO về các bước nghiên cứu tiếp theo. Nhóm cũng sẽ tạo ra “quy trình chuẩn hóa” về cách quản lý các cuộc điều tra nguồn gốc mầm bệnh mới trong tương lai.

WHO đã và đang đứng trước áp lực phải giải quyết câu hỏi về việc virus SARS-CoV-2 lây cho con người như thế nào. Cuộc điều tra ban đầu của một phái đoàn WHO đến Vũ Hán, Trung Quốc - nơi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên - đã gây nhiều tranh cãi.

Trọng tâm của các tranh luận là liệu virus có thể xuất hiện từ một tai nạn liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không. Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận, và nhóm chuyên gia WHO ban đầu cũng bác bỏ giả thuyết này. Các giả thuyết khác được kêu gọi xem xét như việc virus có thể từ động vật hoang dã lây lan sang con người.

Sau cuộc điều tra tại Vũ Hán, Trung Quốc đã từ chối những yêu cầu nghiên cứu sâu hơn, bao gồm khả năng rà soát phòng thí nghiệm. Các quốc gia khác, cùng với Mỹ, thì tiếp tục kêu gọi một cuộc điều tra về tất cả các giả thuyết.

Các thành viên của Sago đến từ hơn 20 quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Kenya và Brazil, và từ các lĩnh vực như virus học, dịch tễ học, an toàn sinh học và sức khỏe động vật.

Sago sẽ do nhà virus học y tế Marietjie Venter từ Đại học Pretoria, Nam Phi làm chủ tịch, và chuyên gia về môi trường và rủi ro truyền nhiễm Jean-Claude Manuguerra từ Viện Pasteur ở Pháp làm phó chủ tịch. Các chuyên gia tham gia với tư cách cá nhân.

Theo PHƯƠNG ANH (VTC News)