Cuối năm, nhiều người bận rộn công việc, không có thời gian trực tiếp đi mua sắm vật dụng gia đình cũng như mua sắm Tết. Nhờ vậy, phương thức bán hàng online được người kinh doanh nhỏ lẻ lẫn siêu thị, cửa hàng, cơ sở sản xuất - kinh doanh chú trọng trong dịp Tết. Ngoài ra, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đây là nguyên nhân thúc đẩy kênh kinh doanh này phát triển.
Chị Thu Hương (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tới nay, tôi quen với việc mua hàng online. Cách mua sắm này giúp tôi tiết kiệm thời gian, chọn được mặt hàng ưng ý mà ở địa phương không bán. Tôi thường chọn mua mặt hàng gia dụng, điện tử trên sàn thương mại điện tử. Còn trái cây, rau củ, quả thì nhắn tin hoặc gọi điện thoại đến các cửa hàng gần nhà”.
Chị Nguyễn Tuyết Nhi (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Có con nhỏ, trong khi công việc cuối năm nhiều, từ đầu tháng 12, tranh thủ rảnh được lúc nào tôi sắm dần qua mạng, rất thuận tiện. Đến cận Tết, tôi mới đi chợ truyền thống, siêu thị để mua sắm những thứ cần thiết còn lại”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2023, nhiều cơ sở kinh doanh, kênh thương mại điện tử chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, triển khai chương trình khuyến mãi khi mua hàng trực tiếp lẫn trực tuyến để phục vụ người tiêu dùng. Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... đều đồng loạt "chạy" chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Sản phẩm thời trang, làm đẹp, đồ gia dụng, trang trí nhà cửa cùng đặc sản vùng miền và sản phẩm đặc trưng dịp Tết… có mức giá tầm trung, khuyến mại 30-50%, được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.
“Để kích cầu mua sắm dịp cuối năm, mỗi ngày nhân viên đều gửi hình ảnh sản phẩm mới nhập về, giá cả khuyến mãi… trên Facebook, Zalo. Đồng thời, cam kết giao hàng trong 2 giờ, miễn phí vận chuyển để người tiêu dùng yên tâm đặt hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn ra mắt kênh livestream, bán hàng giá ưu đãi mùa Tết” - anh Tùng (chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) nhấn mạnh.
Dạo quanh mạng xã hội, ngập tràn hình ảnh mặt hàng phục vụ thị trường Tết, nhất là quần áo, đặc sản vùng miền, kèm theo lời giới thiệu hấp dẫn. “Ngay từ đầu tháng 11, tôi đã tung ra sản phẩm mới trên mạng xã hội, thăm dò thị hiếu, cảm nhận của khách, để có chiến lược nhập hàng. Càng cận Tết, sức mua tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Bình quân, những ngày này tôi tiếp nhận, đóng hàng và gửi đi cả trăm đơn hàng cho khách” - chị Thảo (chủ cửa hàng quần áo trẻ em phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho hay.
Ưu việt của bán hàng online là linh hoạt về thời gian và không gian. Quá trình mua bán diễn ra thuận lợi, so sánh được chất lượng, giá cả. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã nâng cao cảnh giác với hàng dỏm, kém chất lượng, muốn kiểm tra hàng trước khi nhận, nên nhiều người kinh doanh online đã ý thức hơn.
“Nắm bắt được tâm lý này, người bán hàng online như chúng tôi không ngại bỏ thời gian tự tay làm đặc sản, livestream trực tuyến quy trình làm trên mạng để đáp ứng yêu cầu của khách. Đồng thời, cam kết chất lượng, như: Đảm bảo vệ sinh, không chất bảo quản, phụ gia… luôn cho khách kiểm tra hàng trước khi thanh toán” - chị Thanh Thủy (chủ cơ sở làm bánh mứt TP. Châu Đốc) cho biết.
Chị Hồng Hạnh (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Bây giờ, phần lớn cửa hàng đều bán hàng qua facebook, zalo… Tôi có thể xem hình ảnh, giá bán hoặc trao đổi để biết rõ thêm về mặt hàng cần mua. Nếu biết cách, tôi sẽ mua được những món hàng chất lượng, chính hãng nhưng giá thành lại rẻ. Thuận tiện là vậy, nhưng người tiêu dùng nên tìm cho mình địa chỉ tin tưởng để đặt mua, hạn chế việc mua hàng dỏm, hàng kém chất lượng”.
Bên cạnh cơ sở kinh doanh online uy tín với chất lượng đảm bảo, cũng xuất hiện một số địa chỉ bán hàng online trục lợi bằng cách bán hàng kém chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn hàng hóa kỹ lưỡng trước khi đặt mua, mua hàng ở những địa chỉ uy tín. |
KHÁNH MY