Những cuộc bầu cử có thể làm 'rung chuyển' châu Âu năm 2018

04/01/2018 - 11:01

Châu Âu chỉ mới bắt đầu trải qua một số cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2017 và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải theo dõi chặt chẽ những cuộc bầu cử tiếp theo trong năm 2018 trên khắp lục địa này.


Năm nay sẽ chứng kiến ​​sự trở lại của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi tại Italy, trong khi Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Thủ tướng Viktor Orban của Hungary có khả năng tái cử cao. Ngoài ra, EU đang chờ đợi cuộc bầu cử tại Cộng hòa Séc trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng nước này có thể gia nhập vào nhóm nước Trung Âu "nổi loạn" khác - Hungary và Ba Lan - liên quan đến một số bất đồng về cải cách tư pháp và hạn ngạch phân bổ người tị nạn trong khối. Theo Express.co.uk và Politico.eu, dưới đây là một số cuộc bầu cử đáng chú ý tại châu Âu năm 2018:

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hungary Orban đang hy vọng sẽ tiếp tục duy trì quyền lực. Ảnh: Express.co.uk

Cuộc bầu cử Tổng thống Séc ngày 12 và 13-1

Tổng thống Milos Zeman hy vọng sẽ nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Nhà lãnh đạo này của Séc, cùng với Thủ tướng Andrej Babiš, người đã được miêu tả như Donald Trump của CH Séc, nếu ông thành công trong việc lập ra một chính phủ ổn định, có thể đặt ra một mối đe dọa đối với quyền lực của EU. 

Ông Babiš từng tuyên bố rằng sẽ điều hành CH Séc như một "công ty gia đình" và được ví như Tổng thống Mỹ Donald Trump vì cũng là tỷ phú kinh doanh. Chiến thắng của ông Babis như là một đòn giáng vào EU bởi vì ông phản đối chính sách di cư của khối này cũng như từ chối gia nhập đồng euro trong suốt chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, ông Zeman gần đây đã nhắc lại lời bình luận của các nhà lãnh đạo Đông Âu khác, như Viktor Orban của Hungary, khi liên hệ dòng người nhập cư từ Trung Đông với sự gia tăng mối đe dọa khủng bố tại châu Âu.

Cuộc bầu cử tại Italy ngày 4-3

Các cuộc thăm dò cho thấy Phong trào 5Star chống EU đang dẫn đầu sự ủng hộ (28%) so với các đảng phái khác như Đảng Dân chủ cầm quyền (PD - 24%) và Forza Italia (15%). Nhưng luật bầu cử mới, cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước khi diễn ra cuộc bầu cử, có thể sẽ giúp cho đảng trung hữu Forza Italy của cựu Thủ tướng Berlusconi nổi lên như một lực lượng chính trị lớn nhất.

Ông Berlusconi đã chuẩn bị cho sự trở lại của mình bằng hàng loạt hoạt động chính trị, như tham gia vận động giúp ứng viên của đảng Forza Italy trong cuộc bầu cử Thống đốc ở Sicily vào tháng 11-2017. Cuộc trở lại của ông Berlusconi dường như được tạo thêm đà thuận lợi sau cuộc bầu cử đó. Cuộc bầu cử cho kết quả ứng viên Nello Musumeci của đảng trung hữu giành chiến thắng với 39,8% phiếu, vượt xa ứng viên về nhì là Giancrlo Cancelleri của đảng Phong trào 5Star với 34,7%.

Cuộc bầu cử Sicily được đánh giá là một cuộc “chạy đà” cho bầu cử Quốc hội sắp tới. Từ đó, giới quan sát đánh giá các đảng phái chính trị trung hữu sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử trước tháng 5-2018. Sự thắng thế này của phái chính trị trung hữu được cho là kết quả của những vấn đề xã hội diễn ra dồn dập ở châu Âu trong hai năm trở lại đây.

Cuộc bầu cử ở Nga ngày 18-3

Tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn nắm quyền trong gần 18 năm trong nhiều cương vị khác nhau, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tái cử với đa số phiếu bầu. Theo các nhà thăm dò tại Trung tâm Levada độc lập, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Putin vẫn trên 80%. Do đó, ông Putin không phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Đối thủ chính trị chính của ông Putin, ông Alexei Navalny, đã bị cấm hoạt động vì bị kết tội tham nhũng, điều mà ông Navalny đã gọi đây là hành động chính trị để ngăn cản ông chạy đua trong cuộc bầu cử với Tổng thống đương nhiệm Putin. Ông Navalny gần đây kêu gọi những người ủng hộ mình tẩy chay bầu cử.

Cuộc bầu cử ở Hungary - mùa xuân năm 2018

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người từng bị coi là một “cái gai trước mắt” các nhà lãnh đạo EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel, đang có khả năng giành chiến thắng một lần nữa. Đảng cánh hữu Fidesz của Thủ tướng Viktor Orbán hiện dẫn đầu trước các đối thủ của mình. Đảng này hy vọng sẽ giành lại 2/3 số phiếu trong quốc hội, điều cần thiết để thay đổi hiến pháp. Để đạt được điều đó, ông Orbán đã vận động cả những công dân Hungary ở các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, đảng Jobbik cực hữu là đối thủ lớn nhất của Fidesz và một số đảng cánh tả muốn lật đổ ông Orbán đang ủng hộ việc hợp tác với Jobbik. Jobbik đang tìm cách để thoát khỏi quá khứ cực đoan hơn của họ khi cuộc bầu cử đang đến gần. Tuy nhiên, mối đe dọa từ khoản tiền phạt 660 triệu forint (hơn 2 triệu euro) của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có thể làm tổn thương cơ hội bầu cử của Jobbik. Cơ quan trên cho biết đảng này đã nhận tài trợ chiến dịch tranh cử bất hợp pháp. Các nhà lãnh đạo của Jobbik đã gọi án phạt này là "án tử hình" đối với nền dân chủ Hungary.

Cuộc bầu cử tại Thụy Điển ngày 9-9, Thủ tướng Stefan Löfven thuộc đảng Dân chủ Xã hội có hy vọng tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa và các cuộc thăm dò cho thấy đảng của ông vẫn đang dẫn đầu. Tuy nhiên, đối tác liên minh đảng Xanh của ông Löfven đang có nguy cơ không vượt ngưỡng 4% để có ghế trong Riksdag (Quốc hội). Nếu đảng Xanh không có ghế nghị viện, đảng Dân chủ Xã hội có thể cần một đối tác mới. Điều này có nghĩa là Liên minh trung - hữu do Moderates bảo thủ lãnh đạo, có thể có cơ hội.

Mặt khác, đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) theo chủ nghĩa dân tộc đang đặt mục tiêu có thêm phiếu bầu sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong cuộc bầu cử năm 2014. Các cuộc thăm dò cho thấy họ có thể nhận được ủng hộ ở mức khoảng 15 - 16% so với dưới 13% năm 2014. Cũng như các đảng dân túy cánh hữu khác ở châu Âu, đảng Dân chủ Thụy Điển đã ủng hộ việc chống nhập cư do cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015. 

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven cũng hy vọng sẽ chiến thắng thêm nhiệm kỳ nữa. Ảnh: Express.co.uk

Các cuộc bầu cử địa phương ở Ba Lan cuối năm 2018

Khoảng một năm trước khi cuộc bầu cử địa phương bắt đầu, Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền (PiS) đã thúc đẩy cải cách bầu cử gây tranh cãi tại Hạ viện. Phe đối lập cho rằng những cải cách này nhằm tăng cơ hội bầu cử của PiS. PiS lại cho rằng những cải cách sẽ làm cho hệ thống bầu cử minh bạch hơn. 

Các biện pháp này bao gồm việc thay đổi cách lựa chọn các thành viên Ủy ban Bầu cử Quốc gia, giới hạn nhiệm kỳ của của thị trưởng xuống còn 2 năm và bãi bỏ việc bầu cử thông qua bỏ phiếu qua bưu điện trong các cuộc bầu cử địa phương. Những thay đổi quy định bầu cử là một trong số các đề xuất mà PiS đưa ra gần đây, bao gồm cải cách tư pháp khiến Ủy ban châu Âu khởi động tiến trình được gọi là Điều 7, cuối cùng có thể dẫn tới việc xóa bỏ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong EU. 

Ngoài ra, có một số cuộc bầu cử đáng lưu ý khác tại châu Âu năm 2018 như: cuộc bầu cử tổng thống Síp ngày 28-1; cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan ngày 28-1; cuộc bầu cử quốc hội Slovenia tháng 7; cuộc bầu cử quốc hội Latvia ngày 6-10; Cuộc tổng tuyển cử của Luxembourg ngày 17-10 và cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Len tháng 11.

Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)