Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng ở huyện Phú Tân
Sinh con trong khu cách ly
Đó là kỷ niệm, dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời sản phụ H.T.C.T (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương). Trên đường được tỉnh đón từ Bình Dương về An Giang, sản phụ có biểu hiện chuyển dạ nên được đưa vào nhập viện tại Khu cách ly Bệnh viện Sản - Nhi An Giang lúc 23 giờ 30 phút. Với sự hỗ trợ tích cực của các bác sĩ, sản phụ sinh bé gái cân nặng 2,8kg tại khu cách ly của bệnh viện. Toàn bộ quá trình sinh, chăm sóc sản phụ và bé sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, cẩn thận theo đúng quy trình.
BS Mai Tấn Đạt (Đội điều trị hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) chia sẻ: “Chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng đón nhận bệnh nhân, gác lại cuộc sống riêng, gia đình và con cái để “chiến đấu” vì cái chung, cứu sống các bệnh nhân COVID-19. Từ ngày đầu tiếp nhận các ca bệnh nhiễm COVID-19 trên cơ địa người mang thai, nguy cơ mắc nhiều biến chứng trầm trọng hơn, ê-kíp chúng tôi sẵn sàng phối hợp với nhau, dự liệu mọi tình huống. Tất cả mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 đều không có người nhà nên các y, bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau chăm sóc. Chúng tôi đã trở thành những “người thân” duy nhất của bệnh nhân trong một hoàn cảnh vô cùng thắt ngặt”.
Chi viện cho “điểm nóng”
Ngay trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” các ổ dịch ở huyện An Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc... bùng phát, Sở Y tế huy động mỗi đợt hàng trăm y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến tỉnh chi viện cho các nơi này, để thực hiện chiến dịch xét nghiệm SARS-CoV-2, phục vụ tầm soát F0 cho toàn dân, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh diện rộng. Hàng trăm sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế An Giang hăng hái tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Chốt kiểm soát dịch Vàm Cống, lên đường tới tâm dịch ở các địa phương để hỗ trợ ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện lấy mẫu cộng đồng tại các địa phương…
Những hy sinh thầm lặng trên tuyến biên giới
Trong trận chiến phòng, chống “giặc dịch COVID-19” đầy khó khăn, gian khổ, những “lá chắn thép” - cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi tuyến đầu biên giới An Giang đã có không ít mất mát, đau thương, kể cả hy sinh tình riêng để toàn lực cùng đồng đội chống dịch. Có những đồng chí hoãn cưới đến 2 lần, càng xót xa khi có người thân qua đời, nén nỗi đau chỉ lập bàn thờ vọng trên chốt chống dịch, thắp hương thể hiện lòng thương tiếc, nén chặt nỗi đau mất mát tiếp tục vững bước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sự hy sinh không gì đong đếm được của CBCS đã biến thành động lực, tô đắp thêm thành trì «lũy thép» phòng, chống dịch nơi biên giới.
Đại úy Diệp Sơn Đông (cán bộ tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Hay tin ba đột ngột qua đời, nhưng vì điều kiện công tác trên tuyến biên giới An Giang nên phải nén nỗi đau, gác lại niềm riêng ở lại đơn vị để cùng CBCS quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch”.
“Shipper 0 đồng”
Bên cạnh các khu vực phong tỏa, cách ly, ở khắp các địa phương đã thành lập Đội shipper (người giao hàng) tình nguyện phục vụ giao hàng tận nhà người dân trong khu phong tỏa; hỗ trợ địa phương vận chuyển gạo, các nhu yếu phẩm… cho người dân khu cách ly... Họ làm việc bằng tất cả tấm lòng, gác bỏ việc riêng, xung phong mỗi ngày nhận đơn hàng đi chợ hộ và nhận hàng hóa từ người thân gửi đến người dân trong khu phong tỏa.
Đại đội truy vết thần tốc
Tại An Giang, ngay khi ghi nhận những ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, như: Lập hàng trăm chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào tỉnh; đưa hàng ngàn CBCS lên tuyến biên giới phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để, Công an tỉnh đã thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19 của tỉnh với tổng quân số 14.738 CBCS. Đại đội đã thần tốc truy vết hơn 10.000 F1, F2, góp phần chặn đứng nguồn lây lan trong cộng đồng.
Những vất vả, nguy hiểm, hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội truy vết khó có thể diễn tả hết. Họ phải gác lại hạnh phúc của riêng mình, bởi xác định rõ trách nhiệm của người chiến sĩ công an trong trận chiến ác liệt này, là diệt “giặc COVID-19”.
HẠNH CHÂU