Những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở huyện Châu Thành

01/10/2024 - 07:20

 - Những năm qua, huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, thử nghiệm và nhân rộng cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh cây lúa, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu của thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất mời gọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra nông sản, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất và sản lượng theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Đồng thời, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, phương thức canh tác công nghệ cao vào sản xuất; sáng tạo, linh hoạt trong kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch sinh thái để phát triển kinh tế.

Nhận thấy việc trồng đậu nành rau mang lại lợi nhuận ổn định, đầu ra được đảm bảo, ông La Tráng Kiện (xã Vĩnh Thành) chuyển đổi 6,5ha trồng lúa sang trồng đậu nành rau với việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty. Theo ông Kiện, ngoài việc cung cấp giống cho nông dân, công ty còn cử kỹ sư thường xuyên hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh. Mô hình mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 900 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn giúp đỡ khoa học - kỹ thuật sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động ở nông thôn, mức thu nhập bình quân ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Tận dụng lợi thế, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều nông dân đã mạnh dạn nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá lóc của ông Trịnh Văn Duyên (thị trấn Vĩnh Bình), với lợi nhuận trên 900 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên hơn 8 lao động; mô hình nuôi cá của ông Hồ Văn Sở (xã Vĩnh Hanh) đạt doanh thu gần 1,3 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi ếch giống của ông Nguyễn Văn Chờ (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên hơn 5 lao động. Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình nuôi dê thịt và sinh sản của ông Hà Minh Ngoan (xã An Hòa).

Nhận thấy việc nuôi dê không tốn nhiều công sức, dê ít bệnh, quay vòng vốn nhanh, chi phí đầu tư thấp, anh Ngoan mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để khởi nghiệp. Thị trường tiêu thụ dê thịt, dê giống hiện rất ổn định, nhiều thương lái đến tận nhà để mua. Ngoài nuôi dê thịt, gia đình anh còn cung cấp ra thị trường dê giống trong và ngoài huyện, cũng như ngoài tỉnh, với giá từ 3 - 5 triệu đồng/con. Với trang trại rộng 200m2 nuôi gần 200 con dê, mang lại thu nhập cho gia đình anh trên 300 triệu đồng/năm từ bán thịt và dê giống. “Dê cũng dễ quản lý và chăm sóc. Tuy nhiên, để đàn dê khỏe mạnh, ngoài việc phải lựa chọn con giống tốt, người chăn nuôi cần quan tâm chích ngừa đầy đủ và thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe đàn dê, để kịp thời bổ sung thêm thức ăn dinh dưỡng...” - anh Hà Minh Ngoan chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Châu Thành sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Trong đó, tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cùng liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời, tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

TRUNG HIẾU