Một ngày giữa tháng 11-2020, nhân dân các xã: Tân Lập, Tân Lợi, Núi Voi, An Hảo, Văn Giáo, Thới Sơn (Tịnh Biên) vô cùng phấn khởi, bởi những cây cầu bê-tông thuộc Chương trình cầu nông thôn được đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Với người dân huyện biên giới này, những chiếc cầu bê-tông là niềm mơ ước từ lâu, bởi Tịnh Biên có đến 143 tuyến kênh nên nhu cầu về cầu giao thông khá cao, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân thông tin: “Giai đoạn 2016-2019, địa phương đã nỗ lực vận dụng nhiều nguồn để xây dựng 15 cầu nông thôn với tổng kinh phí khoảng 17,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện còn nhiều cầu gỗ, cầu tạm chỉ đáp ứng việc đi lại của nhân dân bằng xe máy nên cần xây dựng, cải tạo để nâng cao khả năng phục vụ. Thông qua Chương trình cầu nông thôn thuộc Tạp chí Nông thôn Việt, đặc biệt là sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã vận động các đơn vị tài trợ giúp địa phương xây dựng những cây cầu bê-tông, kiên cố, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành cầu Khuyến học xã Tân Lập (Tịnh Biên)
Theo đó, Tịnh Biên đã xây dựng 13 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn với tổng kinh phí thực hiện hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Cổ phần VNG tài trợ 11 tỷ đồng, phần còn lại do UBND huyện Tịnh Biên đối ứng và nhân dân đóng góp.
Có mặt trong ngày khánh thành cầu Khuyến học, ông Nguyễn Văn Em (xã Tân Lập) không giấu được niềm vui. Từ nay, ông và những người dân khác ở Tân Lập có thể chở nông sản, hàng hóa qua xã Tà Đảnh (Tri Tôn) và ngược lại một cách thuận lợi, bởi cầu bê-tông khang trang đã hiện hữu trước mắt chứ không còn là mong ước nữa. Vui nhất là những em học sinh có thể đến trường thuận lợi mà không phải lo lắng khi bước vào mùa mưa bão.
Về tham dự ngày vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tịnh Biên, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ niềm phấn khởi bởi thành quả từ Chương trình cầu nông thôn mang lại. “Tôi nhận thấy, An Giang là tỉnh có diện mạo giao thông nông thôn khang trang so với các tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, các địa phương vùng biên giới của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và cần được quan tâm, tạo điều kiện để dựng xây, phát triển tốt hơn nữa. Trong đó, cầu giao thông là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo sức bật cho huyện Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
Chứng kiến xe 4 bánh chạy trên những cây cầu bê-tông kiên cố, tôi tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của địa phương trong thời gian tới. Tôi rất mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang sẽ tận dụng tốt nguồn hỗ trợ này, tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn!” - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định thành quả hôm nay đến từ sự nhiệt tâm của đơn vị tài trợ và sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng dân” địa phương. Đặc biệt, An Giang là địa phương có nhiều sáng kiến rất hay. Chỉ nói về việc xây cầu nông thôn, địa phương có những đội xây cầu thiện nguyện miệt mài làm việc, có những người dân sẵn sàng góp công, góp của vì lợi ích chung. Đó là nét đẹp trong cách nghĩ, cách làm cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn nhủ: “Các huyện, thị xã ở khu vực biên giới của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Dù ở cương vị nào, tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia cùng các địa phương kiến thiết những vùng đất còn khó khăn, vùng biên giới và nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, An Giang sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI để xứng đáng với thành quả mà các thế hệ đi trước đã dày công gầy dựng”.
Những cây cầu bê-tông khang trang với ngọn cờ phấp phới bay trong gió sẽ mãi là hình ảnh đẹp sống mãi trong ký ức của người dân biên giới. Người dân An Giang sẽ còn nhớ mãi hình ảnh nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay “chú Tư Sang” theo cách gọi thân tình, đã không quản khó nhọc về với những vùng biên cương của Tổ quốc để nối liền những nhịp cầu vui. Và hôm nay, bao em thơ đang hân hoan cắp sách đến trường và nụ cười phấn khởi đã nở trên môi của người nông dân, mỗi khi họ chở hàng hóa qua sông trong mùa lúa mới!
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Trước đây, An Giang có 2.700 cây cầu tạm cần được nâng cấp, sửa chữa. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã vận dụng nhiều nguồn kinh phí và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tập trung thực hiện chương trình xóa cầu tạm vùng nông thôn. Kết quả, đã xóa được 1.700 cầu tạm vùng nông thôn và sẽ tiếp tục nỗ lực để xóa thêm 1.000 cây nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
|
THANH TIẾN