Đông y có những thức ăn, bài thuốc có thể giúp tăng cường sức đề kháng chống lại virus ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), chia sẻ một số biện pháp đông y có thể phòng chống virus cúm.
1. Trà
Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của trà trên hệ miễn dịch, cho thấy người uống trà thường xuyên thì phản ứng miễn dịch nhanh gấp 5 lần người không uống. Do đó, nên uống một ly trà vào mỗi buổi sáng.
2. Tỏi
Ngoài vai trò là một gia vị thì tỏi còn được biết đến và sử dụng với rất nhiều công dụng phòng và chữa bệnh như cải thiện tiêu hóa, giảm mỡ máu, chống ô xy hóa… Đặc biệt, từ xa xưa dân gian đã dùng tỏi để chữa cảm cúm.
Các nghiên cứu y học về tác dụng kháng virus của tỏi đã chứng minh nó có tác dụng ức chế các loại virus: cúm mùa (A và B), rhinovirus, herpes, rotavirus,… nhờ tác dụng của chất allicin có trong tỏi.
Với người có thể ăn được tỏi tươi, có thể ăn hằng ngày 1-3 tép tỏi. Người không ăn được tỏi tươi có thể tăng cường thêm một chút tỏi làm gia vị hoặc dùng tỏi ngâm.
3. Mật ong
Mật ong có tác dụng chính là bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, có tính sát trùng và chống viêm tốt. Nếu cơ thể bị các tổn thương thì mật ong giúp hồi phục các tổn thương
Với một số bệnh đường hô hấp thì điển hình là bài mật ong ngâm với chanh hoặc quất rất hiệu quả trong giảm ho, chống viêm, giảm xuất tiết.
Khi nghiên cứu về mật ong, người ta thấy có các enzyme, nhiều vitamin, khoảng 31 loại khoáng chất, flavonoid và polyphenol hoạt động như chất chống ô xy hóa, điều hòa miễn dịch.
4. Chanh
Có thể đơn giản dùng nước chanh giải khát là có tác dụng tốt. Trong đông y thường dùng cả vỏ chanh để tăng thêm tính kháng lại vi khuẩn ở đường hô hấp.
Nghiên cứu về tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại virus cúm của quả họ cam chanh cho thấy nó giúp đẩy nhanh miễn dịch đặc hiệu, làm tăng hiệu quả của vắc xin. Tác dụng này có được do trong quả họ cam chanh có beta sitosterol.
5. Sả
Sả là một vị thuốc hay dùng để xông khi bị cảm cúm trong dân gian. Tuy nhiên trong đông y còn dùng trong nhiều mục đích khác như chữa ho, giải độc, giúp làn da đẹp hơn, tóc đẹp hơn, chống đầy bụng khó tiêu, thư giãn cơ, giảm mỡ máu…
Một trong những công dụng đặc biệt của sả là sát khuẩn mà không gây hại cho cơ thể người, do đó một số người còn khuyên dùng tinh dầu sả khuếch tán trong phòng
Có thể dùng kết hợp mật ong, chanh, sả bằng cách: dùng 1-2 quả chanh, thái lát (dùng cả vỏ), khoảng 3 nhánh sả, nấu trong khoảng 5 phút với 1 lít nước, chắt lấy nước, để ấm, pha thêm 1-2 thìa (muỗng) cà phê mật ong, khuấy đều. Mỗi ngày uống 1-2 lần. Cũng có thể chế biến với lượng nhiều, để tủ lạnh và dùng dần.
Cũng có thể dùng riêng mật ong, hòa với nước ấm để uống.
6. Hành
Hành không những giúp tăng hương vị trong các món ăn mà còn giúp nâng cao sức đề kháng trước vi khuẩn, virus.
Nếu đã bị bệnh thì hành lại giúp tấn công vi khuẩn vì có tính sát khuẩn rất tốt. Tính sát khuẩn của hành cũng đã được áp dụng cho những bệnh nhân bị vết thương hoặc vết loét khó lành.
Nghiên cứu về tác dụng tăng tính miễn dịch, phòng chống virus của hành cho thấy điểm số độ mạnh miễn dịch tăng ở nhóm sử dụng hành trong 4 tuần so với giả dược. Đặc biệt ở nhóm sử dụng liều cao thì độ mạnh miễn dịch càng tăng hơn.
Theo KHẢI LINH (Thanh Niên)