Nguyễn Trọng Nghĩa với nhiều đóng góp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang
Phạm Quỳnh Nga (bìa phải) luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao
Nguyễn Trọng Nghĩa hiện công tác tại Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh An Giang. Quá trình công tác, Nghĩa luôn hoàn thành các nhiệm vụ được phân công, thường xuyên đề xuất kế hoạch truyền thông phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị, cơ quan truyền thông và các địa phương thông tin, tuyên truyền về kết quả xây dựng NTM với hơn 500 chuyên mục, chuyên đề và bài viết tuyên truyền.
Nổi bật trong công tác triển khai các nhiệm vụ, phương hướng xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Nghĩa đã thực hiện kế hoạch truyền thông, tuyên truyền NTM tại các xã điểm; thực hiện viết gần 200 nội dung về NTM lên Cổng thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh An Giang, cũng như Fanpage “Nông thôn mới An Giang”.
Đồng thời, đề xuất, thiết kế tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, biên tập tài liệu, cơ sở dữ liệu về NTM, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền cho đơn vị. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”.
“Tôi còn tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP đến thị trường trong và ngoài tỉnh, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP. Đặc biệt là hỗ trợ những bạn đoàn viên ở các địa phương biết về OCOP. Tôi còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản phẩm khởi nghiệp, như: Tranh lá bồ đề, sản phẩm từ trái cây, nông sản, đường thốt nốt, trà mãng cầu… Ngoài ra, tôi thường xuyên thực hiện hỗ trợ kết nối các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP của tỉnh đến với thị trường, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh” - Trọng Nghĩa chia sẻ.
Thanh niên trẻ này còn thực hiện và theo dõi triển khai dự án về “Nâng cao chất lượng sản phẩm xoài ba màu của xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) giai đoạn 2018 - 2023”; mô hình tưới nhỏ giọt và tưới trên không cho xoài do Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới của Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ trên địa bàn xã Bình Phước Xuân, góp phần nâng cao giá trị của trái xoài và sản phẩm từ xoài của địa phương.
Cùng nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII/2023 là bạn Phạm Quỳnh Nga (sinh năm 1992), đang công tác tại Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Sở NN&PTNT An Giang). “Với mong muốn đóng góp phần nào công sức, trí tuệ tuổi trẻ trong sự nghiệp phát triển ngành NN&PTNT tỉnh, tôi luôn trau dồi, học tập, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Giải thưởng Lương Định Của là động lực giúp tôi phấn đấu hơn nữa để hoàn thành công tác chuyên môn, đem những kiến thức, kỹ năng đã học giúp ích cho công việc, góp phần nâng cao đời sống của người dân” - Quỳnh Nga bộc bạch.
Trong chuyên môn của mình, Quỳnh Nga đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp. Điển hình là phối hợp các đơn vị triển khai bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công và nguồn nhân lực xã hội, thuộc Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh An Giang, với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, du lịch nông nghiệp.
Đồng thời, tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, tham dự triển lãm trong và ngoài tỉnh cho công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và nông dân. Quỳnh Nga còn tham mưu, xây dựng, hướng dẫn nội dung thực hiện các chỉ tiêu phụ trách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; tham gia tập huấn, hướng dẫn nội dung thực hiện và phối hợp đơn vị cấp huyện kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận đạt các chỉ tiêu do ngành nông nghiệp phụ trách. Cô gái trẻ còn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị cấp huyện và cấp xã triển khai thực hiện mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các xã NTM, NTM nâng cao…
“Thông qua hoạt động bồi dưỡng, tập huấn đã góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành NN&PTNT trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho lực lượng công chức, viên chức, người lao động và nông dân. Các hoạt động được tổ chức không chỉ lý thuyết mà còn kết hợp học tập thực tế tại các doanh nghiệp, các cơ sở, các mô hình có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, giúp công chức, viên chức và nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương” - Quỳnh Nga bày tỏ.
Giải thưởng Lương Định Của được triển khai từ năm 2006, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và bảo vệ môi trường. |
PHƯƠNG LAN