Thời gian qua, thế giới ghi nhận làn sóng dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia, khu vực, đặc biệt tại các quốc gia châu Á. Virus SARS-CoV-2 nguy hiểm ở chỗ nó có nhiều biến thể và các biến thể thường có mức lây nhiễm mạnh hơn nhiều, điển hình là Delta.
Kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể COVID-19 hiện nay.
Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, làm tăng nhanh số ca mắc trong thời gian ngắn - Ảnh: Bộ Y tế
Cũng không phải ngẫu nhiên mà biến thể Delta được nhiều người gọi với cái tên "quái vật", bởi chủng virus này có tốc độ lây lan nhanh, làm gia tăng số ca mắc trong thời gian ngắn, dẫn đến quá tải hệ thống y tế và tăng tỉ lệ tử vong.
Tại Việt Nam, từ khi dịch bùng phát đế nay, đã có 323.268 ca mắc COVID-19, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước là 319.209 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 20-8 là 7.540 ca, chiếm tỉ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Nồng độ virus rất đậm đặc
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết với chủng Delta, nồng độ virus có trong hầu họng cũng như độ bám dính vào tế bào người nhiễm lớn hơn chủng bình thường rất nhiều nên khả năng lây lan rất nhanh.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), các biến thể trước đây thường tạo ra ít virus hơn trong cơ thể của những người đã được tiêm phòng đầy đủ bị nhiễm so với những người không được tiêm. Ngược lại, biến thể Delta dường như tạo ra một lượng virus cao như nhau ở cả những người chưa được tiêm và đã được tiêm đầy đủ.
Chủng Delta nồng độ virus có trong hầu họng rất lớn (ảnh minh họa) - Ảnh: Ngô Nhung
Các nhà khoa cũng cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đáng kể so với biến thể "tiền nhiệm" của nó. Một người bị lây nhiễm biến thể Alpha có thể lây lan tiếp cho từ 2 đến 3 người, một người bị nhiễm Delta thì lây lan lên đến 5 đến 6 người. Đó là một khác biệt rất lớn. Biến thể Delta lây lan rộng, đặc biệt trong số những người chưa được tiêm chủng.
Virus tấn công nhiều người trẻ và trẻ em
Nói về đặc điểm của thể virus Dela, GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết virus lây lan nhanh là điều mà ai cũng thấy rõ trong thời gian qua. Tuy nhiên, có điểm đặc thù mới cần theo dõi là biến chủng này tấn công trẻ em và người trẻ khá nhiều và không phải là không có tử vong ở trẻ.
Theo các chuyên gia, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn hẳn, có thể gấp đôi biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu tiên tại Anh). Ngoài ra, tất cả mọi người đều có thể nhiễm SARS-CoV-2, trong đó trẻ cũng dễ dàng nhiễm bệnh.
Biến thể Delta tấn công trẻ em và nhiều người trẻ là nhóm chưa được tiêm chủng (ảnh minh họa) - Ảnh: Ngô Nhung
Giai đoạn đầu, trẻ mắc bệnh ít có bệnh lý nền, tỉ lệ nhẹ nhiều hơn. Tuy nhiên, gần đây do biến thể Delta lây lan rất mạnh nên virus bắt đầu tấn công vào nhóm trẻ (đối tượng chưa được tiêm phòng). Trong số đó cũng những trường hợp nặng, viêm phổi, song ở nhóm này nếu điều trị hỗ trợ tích cực thì khả năng sống sót cao hơn.
Dữ liệu mới của CDC Mỹ cũng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn và dẫn đến khả năng lây truyền nhanh hơn khi so sánh với các biến thể khác, ngay cả ở những người được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Biến thể Delta làm bệnh nặng hơn?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Delta là một biến thể được thay đổi cấu trúc di truyền trên 200% so với biến thể gốc xuất phát từ Vũ Hán. Ngay cả những địa phương ở nước ta, mặc dù đã được chuẩn bị kịch bản kĩ lưỡng, cũng không lường trước được những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, bởi tốc độ lây lan của biến thể Delta là khủng khiếp.
Biến thể Delta gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19
"Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh nhân nhiễm biến thể Delta chưa có nhiều biểu hiện khác so với biến chủng cũ nhưng các diễn biến lâm sàng của nó lại nhanh hơn rất nhiều. Nếu như trước kia thời gian ủ bệnh lâu, thì với biến thể Delta lại nhanh hơn, gây nên việc phát tán bệnh trong ổ dịch nhiều và tăng mạnh"- bác sĩ Cấp nói.
Theo Bộ Y tế, các dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2 nếu có gồm:
- Ho
- Sốt (trên 37,5 độ C)
- Đau đầu
- Đau họng, rát họng
- Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi
- Khó thở
- Đau ngực, tức ngực
- Đau mỏi người, đau cơ
- Mất vị giác
- Mất khứu giác
- Đau bụng, buồn nôn
- Tiêu chảy
|
Một bác sĩ cũng cho biết thêm với biến thể Delta, thời gian từ lúc phát bệnh (có triệu chứng ban đầu) đến lúc bệnh trở nặng nhanh hơn chủng virus cổ điển. Ví dụ, trước đây cần 7, 8, thậm chí 10 ngày bệnh nhân mới chuyển nặng nhưng nay chỉ sau 3-5 ngày bệnh nhân đã viêm phổi, có thể suy hô hấp. "Thời gian trở nặng ngắn hơn, lượng bệnh nhân lớn dẫn tới quá tải cho hệ thống y tế"- bác sĩ này nói.
Tuy nhiên, mức độ nặng của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động ngoài vấn đề bệnh nền, tuổi, béo phì…, thì còn là phản ứng của cơ thể với virus. Người nào phản ứng bình thường thì bệnh diễn tiến đơn giản, nhanh lành bệnh. Nhưng có những trường hợp phản ứng quá mức sẽ gây tổn hại các cơ quan nặng nề như cơn bão cytokine.
Người dân bảo vệ mình thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết con đường lây truyền chính của virus SARS-CoV-2 là qua giọt bắn, khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Theo đó, virus sẽ bay trong không khí với khoảng cách dưới 2 m. Nếu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên 2 m thì tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều.
"Khi chúng ta to, hắt hơi cũng làm vấy bẩn bề mặt và bàn tay nên việc vệ sinh bề mặt và bàn tay là quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc lây nhiễm qua bề mặt khá hạn chế so với việc lây qua đường hô hấp, tuy nhiên vẫn xảy ra. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo về việc người dân nên hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, hoặc nếu cần thiết phải đảm bảo được việc phòng tránh lây nhiễm bằng việc rửa tay sát khuẩn thường xuyên"- bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM - Ảnh: Bộ Y tế
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, liên tục có những ổ dịch mới như hiện nay, bác sĩ Cấp cho rằng không chỉ người dân ở ngoài cộng đồng mà ngay cả những người ở trong khu cách ly tập trung cũng cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K và giữ khoảng cách trên 2 m.
"Không phải cứ ở trong khu cách ly là sẽ không lây lan được cho người khác. Ngay kể cả ở trong phòng, người cách ly cũng cần phải đeo khẩu trang, hạn chế giao lưu giữa người với người, phòng này với phòng khác, đây cũng là việc cần thiết nhằm hạn chế việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly"- ông nói.
Đối với việc khám sàng lọc, bác sĩ Cấp cũng khuyến cáo giữ khoảng cách rất quan trọng. Khi người khám lấy mẫu sẽ phải bỏ khẩu trang. Như vậy, việc virus ở trong không khí lây lan ra những người xung quanh rất cao. Do đó cần thực hiện đúng quy định giãn cách và tuyệt đối không tụ tập đông người, nếu không sẽ càng khó khăn hơn cho ngành Y tế trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Tiêm vắc-xin là cách dự phòng hiệu quả nhất - Ảnh: Bộ Y tế
Có một số ý kiến cho rằng biến thể này khiến một số vắc-xin COVID-19 kém hiệu quả, song các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo vắc-xin COVID-19 có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng, ngăn ngừa tử vong nếu không may bị nhiễm bệnh.
Theo một số nghiên cứu, giống như các biến thể khác, với biến thể Delta, số lượng virus ở những người được tiêm phòng đầy đủ cũng giảm nhanh hơn so với ở những người không được tiêm. Điều này nghĩa là những người được tiêm đầy đủ có khả năng lây nhiễm trong thời gian ngắn thấp hơn những người không được tiêm chủng. Như vậy, vắc-xin COVID-19 vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng và nhập viện.
Theo NGỌC DUNG (Báo NLĐ)