Những phần quà từ sự sẻ chia của cả cộng đồng người Chăm Islam An Giang và các nhà hảo tâm, với mong muốn tất cả mọi người cùng đón tháng lễ linh thiêng Ramadan một cách trọn vẹn. Ảnh: Phương Nghi
Tháng yêu thương của đồng bào dân tộc Chăm
Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang Haji Jacky cho biết: “Tháng Ramadan (còn gọi là Tháng yêu thương) là lễ quan trọng nhất của những người theo đạo Hồi. Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo Islam đến tuổi trưởng thành đều phải nhịn ăn, nhịn uống ban ngày để tu tâm, dưỡng tánh, để đo lường, thẩm định sự đói khát của mình, từ đó, sẽ có sự cảm thông, biết yêu thương và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, mọi người không phân biệt giàu nghèo càng ngày xích lại gần nhau hơn. Trong tháng Ramadan rất quan tâm đến việc làm từ thiện, vì đây là một trong 5 điều rường cột Islam quy định”.
Từ khi bắt đầu tháng Ramadan, nhiều hoạt động từ thiện được Ban đại diện tổ chức trao nhiều quà cho bà con có hoàn cảnh nghèo, khó khăn ở các địa phương. Bà Sity Hara, Phó ban Từ thiện xã hội, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết, đối với người Hồi giáo, tháng Ramadan là tháng rất linh thiêng, đó là tháng chia sẻ với người nghèo khổ, để cho người Islam biết được nỗi cơ cực, khốn khổ, đó là lý do để họ biết và chia sẻ. Vì thế, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, Ban đại diện rất vui mừng nhận được hỗ trợ của những tổ chức trong và ngoài nước để có được tổng cộng gần 1.000 phần quà phát cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, rất mong bà con có được một tháng Ramadan đầy đủ và sung túc.
Trong suốt tháng Ramadan, tín đồ Chăm vẫn lao động bình thường, phụ nữ vẫn dệt thổ cẩm, vẫn may; phái nam vẫn ra sông tung chài bủa lưới, ra đồng chăm sóc lúa. Đúng 30 ngày, khi thấy phía Tây có trăng non ló rạng, người ta ăn uống trở lại bình thường. Ngày cuối tháng Ramadan, cộng đồng người Chăm An Giang hân hoan bước vào ngày hội “Rona Pittak” (mãn chay), mọi người mở tiệc, cùng nhau ăn uống thoải mái. Tiệc tùng khá thịnh soạn, thường là những món bánh truyền thống như nằm-prăng, ha-pum, pây-kgah, cha-đoll, pây-nung, nhất là loại bánh din-pà-gòn làm bằng nếp với nước cốt dừa, dồn đầy vào ống tre tươi, đem đốt cho đến chín, ăn rất béo, thơm ngon lạ thường. Còn tiệc mặn thì không thể thiếu các món cà ri, cà púa, hay tung lò mò...
Các làng Chăm đang đổi thay
Những năm qua, cộng đồng người Chăm ở An Giang nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể nên đời sống bà con đồng bào dân tộc Chăm đã từng bước vượt qua những khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển bộ mặt xóm ấp, làng Chăm thêm khởi sắc.
Trong tháng Ramadan, tín đồ Chăm vẫn lao động bình thường. Ảnh: Phương Nghi
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne cho biết: Nhờ phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, An Giang có 2.733 hộ đồng bào Chăm có đời sống khá trở lên (chiếm 83,5%), hộ nghèo chỉ còn 6,2%, hộ cận nghèo còn 8,5% và 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước... “Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt... Từ khi đường sá thuận tiện, hàng hóa thông thương, đồng bào Chăm bắt đầu mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thương mua bán nhộn nhịp hơn. Song song với đó, đã thành lập 6 khu dân cư ở các xã Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường (huyện An Phú), Châu Phong (thị xã Tân Châu), Khánh Hòa (huyện Châu Phú)...” – ông Chau Anne nói.
Ở làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú), từ sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. Ông Ysa, người dân làng Chăm Đa Phước chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri cơm nị, bánh bò nướng (bánh năm-pa-răng)... trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào dân tộc Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt”.
Đến Châu Phong (thị xã Tân Châu), xã có 3 ấp Phũm Xoài, Châu Giang và Hòa Long trên 4.500 nhân khẩu, 100% người dân theo đạo Hồi giáo Islam. Dễ dàng nhận thấy, có nhiều công trình mới đã mọc lên, dọc theo các xóm đồng bào Chăm, các tuyến đường đều được bê tông hóa, nhất là khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo “sức bật”, làm đổi thay rõ rệt ở từng làng Chăm Châu Phong.
Ông Mohamad, ở ấp Phũm Xoài cho biết: "Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa... Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề. Hiện nay, thiết bị tiên tiến để việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm được tiện lợi, nhanh chóng hơn. Nhưng tôi vẫn giữ lại nghề dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy”.
Bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: "Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm. Nhờ sự kết hợp phát triển kinh tế hộ gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới ở các làng Chăm Châu Phong và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống Phũm Xoài đạt OCOP 3 sao”.
Tháng Ramadan, đối với người Chăm tại An Giang có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những lễ lớn nhất trong năm, thể hiện tinh thần chia sẻ lẫn nhau trong cộng đồng, giữa người có điều kiện và nghèo để giúp nhau cùng vươn lên phát triển, xây dựng xóm Chăm ngày càng giàu mạnh.
Theo PHƯƠNG NGHI (Báo Biên Phòng)