Nỗ lực hơn nữa trong tạo việc làm cho lao động địa phương

08/10/2021 - 05:02

 - Hàng ngàn người lao động ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai... tự phát trở về An Giang trong những ngày qua một lần nữa đặt vấn đề về tạo việc làm tại chỗ cho lao động. Chỉ khi nỗ lực tạo việc làm được thực hiện một cách căn cơ tại các địa phương thì người dân mới không rời quê để đi mưu sinh...

Nỗi lo cơm áo

Những ngày qua, hàng chục ngàn người từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã ồ ạt di chuyển tự phát về An Giang, trong đó những địa phương có số lượng khá lớn, như: huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn, Châu Phú, TX. Tân Châu… Điều đáng nói ở đây, những địa phương này có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất lớn. Nghề nông đã giúp giải quyết cái ăn trong những năm đầu của thời kỳ đất nước đổi mới. Vậy mà nay, lao động từ nghề nông không bám được đất để phát triển. Những người tự phát trở về An Giang những ngày qua đa phần xuất thân từ nông dân.

Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân sâu xa, buộc họ phải “ly nông lẫn ly hương”, rời bỏ quê hương đi tìm việc làm ở “miền đất hứa” là do sản xuất không có hiệu quả. 10 năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết nông vụ không còn tuân thủ theo quy luật xưa nay. Trong mùa nắng lại có mưa rào, trong mùa mưa có nắng hạn. Cây trồng, vật nuôi không chịu nổi với sự bất thường của thời tiết, năng suất không cao, thu nhập từ nông nghiệp đơn thuần không còn đủ lo cho cuộc sống cả nhà. “Gia đình tôi có 5 người, ngoài 3 công đất ruộng, tôi thuê thêm 5 công đất để làm lúa, vậy mà không đủ nuôi 5 miệng ăn, càng làm càng thiếu nợ. Tụi tôi buộc phải kéo nhau lên tỉnh Bình Dương kiếm sống” - chị Trần Thị Kiều (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nói trong nước mắt.

“Thấy các cháu kéo về quê, tôi vừa vui vừa buồn. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Thoại Sơn là địa phương đi đầu trong chuyển dịch sản xuất. Từ 1 vụ lúa mùa nổi chuyển lên sản xuất 2 vụ, rồi 3 vụ, đứng đầu tỉnh về sản lượng lúa trong những năm 1990. Vậy mà trong những ngày dịch bệnh xảy ra, người dân ở đây phải nhận gạo cứu trợ của nhà nước” - ông Phan Văn Tuấn (một lão nông tri điền ở xã Vọng Đông) bộc bạch.

Giải pháp nào?

Những năm qua, bằng nhiều cách làm khác nhau, An Giang đã nỗ lực tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ nỗ lực hỗ trợ cho vay vốn (thông qua các chương trình, dự án) đến đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 27.000-30.000 lao động từ thành thị đến nông thôn.

Chỉ tính riêng Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Bình Phú (huyện Châu Phú) của Tập đoàn Nam Việt đã giúp cho hơn 150 lao động tại địa phương có việc làm ổn định. Chương trình giống cá tra 3 cấp của Tập đoàn Việt Úc An Giang, triển khai tại ấp Vĩnh Bường (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), giải quyết cho gần 50 lao động tại địa phương. Còn nhiều lắm các dự án tham gia giải quyết lao động tại địa phương. Song, do số lao động không có việc làm dôi dư nhiều, bà con phải tìm đến “miền đất hứa” để mưu sinh.

Cần đẩy mạnh chương trình mời gọi đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp để tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh:  TRUNG HIẾU

“Ở TX. Tân Châu này, không thiếu việc làm đâu. Cụ thể, lao động trong nông nghiệp bây giờ rất khó thuê, bởi đa phần bà con chê làm nông ít tiền, việc nặng nhọc. Số đông người lao động mong muốn có thu nhập ổn định từ công việc nhẹ nhàng hơn” - ông Nguyễn Văn Sul (chủ trang trại trồng mai vàng xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Trang trại của ông Sul rộng 5ha, chuyên trồng cây mai vàng để bán trong và ngoài nước. Gần 3 năm qua, ông rất vất vả trong việc thuê lao động địa phương làm việc cho trang trại. Nơi này giờ đây có thể là địa chỉ giúp một số người dân muốn gắn bó quê hương có được việc làm.

Nỗ lực hơn nữa trong tạo việc làm cho lao động địa phương là vấn đề được đặt ra một cách nghiêm túc trong lúc này. Để tạo ra nhiều việc làm ở địa phương, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình mời gọi đầu tư, tiếp tục phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo ra quỹ đất sạch, mời gọi các tập đoàn lớn về xây dựng nhà máy, trang trại... Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, mở rộng cảng sông, nâng cấp cầu đường cho đủ tải trọng để xe container hạng nặng có thể đi được.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nâng cao nhận thức, xóa tư tưởng “việc nhẹ, lương cao”, chuyên tâm học nghề, nâng cao tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động để từ đó bám sâu vào doanh nghiệp, tạo ra cuộc sống ổn định cho bản thân, gia đình, giảm bớt gánh nặng cho nhà nước trong công tác an sinh xã hội. Trong công tác đào tạo nghề, cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp khi lao động thông qua đào tạo là có thể gắn kết ngay với doanh nghiệp để có được việc làm.

“An Giang phấn đấu trong năm 2021, giải quyết cho khoảng 27.000 lao động có việc làm. Cụ thể, thông qua các chương trình, dự án sẽ giải quyết cho 18.700 lao động; các dự án vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm khoảng 4.000 lao động… Kế hoạch là vậy, song do dịch bệnh xảy ra, việc thực hiện kế hoạch này gặp nhiều khó khăn. Trong những tháng còn lại của năm 2021, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện kế hoạch đề ra”- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly chia sẻ.

MINH HIỂN