Nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam

19/09/2024 - 14:04

Thông tin về công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 19/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiến pháp năm 2013 quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Chú thích ảnh

Niềm vui của những đứa trẻ vùng cao là được chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Đồng thời, các nội dung nghiêm cấm hành vi bóc lột trẻ em, cấm trẻ em lao động trái quy định của pháp luật đã được quy định cụ thể trong các Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành triển khai việc nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; củng cố hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về lao động trẻ em; tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ triển khai mô hình can thiệp phòng ngừa và đưa trẻ em ra khỏi lao động trẻ em tại một số địa phương: Hà Nội, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

Cùng đó, ngày 25/1/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công an; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch năm 2024 thực hiện Quy chế đã được ban hành. Căn cứ vào quy chế phối hợp, đã có 20 địa phương ban hành kế hoạch phối hợp giữa các sở ngành tại địa phương/công văn của UBND tỉnh phân công các sở ngành thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn một số bất cập. Lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức khó kiểm soát và phát hiện. Tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu làm suy giảm điều kiện kinh tế, đe dọa sinh kế của các hộ gia đình, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu việc làm, thất nghiệp, gia đình bị mất trụ cột kinh tế khi có người tử vong; xuất hiện tình trạng dụ dỗ lừa đảo qua môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên trở thành lao động trẻ em, bị mua bán và bóc lột sức lao động. Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. 

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân do nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đặc biệt tại địa phương còn thiếu, hạn chế về năng lực phát hiện các trường hợp lao động trẻ em tại cộng đồng. Thiếu cán bộ thanh tra nên việc tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra về lao động gặp khó khăn nhất là khu vực phí chính thức, nơi có nhiều trẻ em tham gia lao động. Hạn chế về tài chính trong triển khai các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em.

Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức triển khai các chương trình về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và các chương trình liên quan.

Truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực cho người sử dụng lao động, cộng đồng, giáo viên, cha mẹ và trẻ em về các cam kết quốc tế, về vấn đề lao động trẻ em trong các hiệp định thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuỗi cung ứng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề, tham gia lao động; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet và xây dựng mô hình truyền thông phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em bằng phương pháp SCREAM "Hỗ trợ quyền trẻ em thông qua giáo dục, nghệ thuật và phương tiện truyền thông". 

Cùng đó, nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; tiếp tục củng cố hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh, kiểm tra về lao động trẻ em; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em...

Theo TTXVN