Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh

13/12/2019 - 07:47

 - Không ít người sẽ thấy bế tắc, bất lực và gục ngã khi biết bản thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Không đầu hàng trước số phận, chị Lê Trương Ánh Ngọc (giảng viên Trường Đại học An Giang) đã chọn cách đối mặt và đấu tranh với bệnh tật để vươn lên mạnh mẽ giữa cuộc sống với một nghị lực phi thường, khiến ai cũng cảm phục.

Chị Ánh Ngọc mạnh mẽ đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo để sống một cuộc đời ý nghĩa

Dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng toát lên nguồn năng lượng sống tràn trề, thoạt nhìn sẽ không thể nào biết được cô giảng viên trẻ Lê Trương Ánh Ngọc đang mang trong mình đến 2 căn bệnh hiểm nghèo: ung thư tuyến giáp và đa hồng cầu nguyên phát (một loại của ung thư máu). Hiện đang giảng dạy môn Lịch sử, chị Ánh Ngọc không chỉ được đồng nghiệp yêu quý mà là gương sáng cho nhiều sinh viên noi theo. Bình thản chia sẻ về biến cố ập đến trong cuộc đời mình, cô giảng viên trẻ Ánh Ngọc với 13 năm đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, khiến nhiều người khâm phục. “Năm 2014, khi tôi đang làm luận văn cao học là lúc phát hiện bản thân bị ung thư tuyến giáp. Từ đó, tôi kiên trì điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Một thời gian, bác sĩ điều trị phát hiện máu của tôi có vấn đề, nên chuyển qua Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, sau khi làm những xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ kết luận tôi còn bị đa hồng cầu nguyên phát. Lúc ấy, tôi cảm thấy hụt hẫng, bế tắc và trách mình sao “phận bạc” đến thế! Đó là giai đoạn rất khó vượt qua” - chị Ánh Ngọc chia sẻ.

“Đâu là động lực giúp chị vươn lên, tiếp tục sống, chiến đấu kiên cường với những căn bệnh hiểm nghèo đến ngày hôm nay?” - câu hỏi chị Ánh Ngọc nhận được nhiều nhất ở bất cứ đâu. Lặng đi vài giây, cô giảng viên trẻ ấy đưa đôi mắt nhìn xa xăm rồi mạnh mẽ cất lời: “Mẹ chính là động lực để tôi chiến đấu với bệnh tật, cố gắng đứng vững đến bây giờ!”. Qua tâm sự, chị Ngọc cho biết, mẹ chính là người thân duy nhất trong cuộc đời này của mình. Năm 2012, ba chị mất cũng vì căn bệnh hiểm nghèo. Kể từ đó, chị hứa với lòng phải thật mạnh mẽ để luôn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ. Sợ mẹ rầu lo, sinh thêm bệnh nên suốt một thời gian dài, chị Ánh Ngọc một mình chống chọi với bệnh tật mà không cho mẹ hay. Những lần về quê thăm mẹ, dù bệnh hành hạ đau đớn nhưng chị Ánh Ngọc cố vượt qua. Song, làm sao qua được đôi mắt tinh tường của người mẹ. Sao nhiều lần gặn hỏi, cuối cùng chị Ngọc cũng phải chia sẻ với mẹ về căn bệnh của mình. Bên cạnh đó, luôn có những người bạn kề bên an ủi, tiếp thêm nghị lực.

“Tưởng rằng mẹ tôi sẽ gục ngã, nhưng không, bà tỏ ra mạnh mẽ vô cùng khi nghe về những căn bệnh. Tôi biết, mẹ đã cố giấu sự lo lắng, nỗi đau để tiếp thêm tinh thần cho con gái. Mẹ cùng tôi đi điều trị bệnh. Suốt một thời gian dài, 2 mẹ con tôi chạy qua chạy lại ở 2 Bệnh viện Ung bướu và Truyền máu Huyết học với niềm hy vọng… kéo dài thêm sự sống. Hiện, sức khỏe tôi đã tạm ổn. Tôi nghĩ, lúc nào còn sức khỏe thì hãy cống hiến hết mình cho công việc, cho hoạt động xã hội để không phải hối tiếc. Bởi, cuộc đời này ngắn ngủi lắm”- chị Ánh Ngọc bày tỏ. Cũng từ lúc học cách đối mặt, chấp nhận bệnh tật, cô giảng viên trẻ ấy bắt đầu đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu cho cuộc đời vì biết rằng, “quỹ thời gian” của mình không còn nhiều. Nhìn gương mặt sáng ngời với giọng nói chắc nịch, chúng tôi biết, chị đã thật sự “chiến thắng” được bệnh tật. Ở chị toát lên nguồn năng lượng tràn đầy, khiến người đối diện tin rằng, niềm tin, ý chí bản thân là sức mạnh “vô hình” giúp con người có thể vượt qua mọi nghịch cảnh.

Chị Ánh Ngọc tham gia tổ chức chống ung thư và đóng góp quỹ bằng số tiền do mình lao động mà có. Theo chị, số tiền tuy không nhiều nhưng có thể góp phần nhỏ cùng mọi người chung tay giúp đỡ những mảnh đời bệnh tật bất hạnh chính là niềm hạnh phúc của bản thân. Những giờ lên lớp, chị còn khơi dậy niềm đam mê đọc sách, trân quý những giá trị quý báu mà sách mang lại cho sinh viên của mình bằng cách tặng sách. Đến nay, chị Ánh Ngọc đã tặng trên 100 quyển sách cho sinh viên với những bài học rất nhân văn về cách vượt qua bản thân. “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là thành lập được nhóm tình nguyện viên hiến máu nhân đạo, để “ngân hàng máu sống” ấy tiếp thêm sự sống cho nhiều bệnh nhân hơn!” - chị Ánh Ngọc bộc bạch.

Với nghị lực ấy, chị Lê Trương Ánh Ngọc đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích điển hình trong phong trào phụ nữ vượt khó hoàn thành nhiệm vụ tháng 12-2019. “Tôi muốn sống một cuộc đời thật đẹp/ Cho nhân sinh, mặt đất muôn loài/ Để mai khi trở về chốn ấy/ Miệng mỉm cười vì mặt đất nở đầy hoa” - những câu thơ chị Ánh Ngọc sáng tác để an ủi, động viên chính mình mới thật đẹp làm sao!

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN