Nô nức hoạt động chào Xuân

16/01/2023 - 06:55

 - Những ngày chuyển giao năm cũ sang năm mới, không khí Tết đã ngập tràn đường phố, ngõ xóm, hoạt động vui Xuân cũng bắt đầu sôi nổi. Các địa phương đang chuẩn bị chu đáo chương trình văn hóa, biểu diễn nghệ thuật chào năm mới để phục vụ nhân dân thưởng thức, thêm lan tỏa không khí rộn ràng, vui tươi.

Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão gần nhau, nên các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đồng loạt diễn ra phong phú, đặc sắc. Các bước chuẩn bị không gian Tết theo đó cũng hối hả, khẩn trương hơn, với việc chỉnh trang đô thị, nông thôn, trang trí đèn hoa, thực hiện các tiểu cảnh ở nhiều điểm công cộng. Chương trình phục vụ vui Xuân được các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, thông báo rộng rãi, tạo không khí náo nức trong lòng người dân.

Năm nay, TX. Tân Châu tổ chức chuỗi hoạt động hấp dẫn và có nhiều nội dung mới, lần đầu tiên diễn ra với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân khát vọng”. Từ 26 tháng Chạp đến mùng 1 Tết, thị xã bắt đầu phục vụ chương trình văn nghệ, khai mạc phố đi bộ kèm theo các gian hàng mua sắm, ẩm thực. Trên khu vực sông Tiền bờ kè Tân Châu, người dân sẽ được xem biểu diễn dù lượn có động cơ, biểu diễn Flyboard, máy bay mô hình, thả hoa đăng.

Tại TP. Long Xuyên, bên cạnh các hoạt động trọng điểm của tỉnh, thành phố còn chuẩn bị nhiều hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân từ trung tâm đến các xã, phường. Mở đầu là hội thi trang trí cổng chào phường, xã và khóm, ấp; biểu diễn đêm văn nghệ phục vụ cơ sở tại xã Mỹ Hòa Hưng. Từ ngày 13/1, hòa chung với chuỗi hoạt động của “Chợ Tết công đoàn” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, thành phố tổ chức hội thi bánh dân gian và chưng mâm ngũ quả ngày Tết.

Kéo dài đến Tết Nguyên đán là loạt hoạt động đã trở thành nét văn hóa ngày Xuân của thành phố, gồm: Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, hội thi và trưng bày cây cảnh - hoa Xuân, khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ, biểu diễn cờ người, múa lân - sư - rồng, bắn pháo hoa mừng Xuân Quý Mão đêm 30 Tết. Trong đó, điểm nhấn cảnh quan đô thị cho thành phố là các tiểu cảnh hoa Xuân chủ đề “Xuân miền Nam”, với những nét đặc trưng về Tết ở Nam Bộ, bố trí tại tượng đài Tôn Đức Thắng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hồ Nguyễn Du, vòng xoay đèn bốn ngọn và khu Thành ủy Long Xuyên.

Ở các địa phương còn lại, dù nơi thị tứ hay nông thôn, chợ hoa, chợ Xuân đã hội tụ, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của người dân. Những hoạt động tương tự mang đậm bản sắc Tết cổ truyền được các huyện trên địa bàn tỉnh đang diễn ra lần lượt. Ấn tượng trong số đó là Lễ hội bánh dân gian tổ chức tại thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú) và Nhà Văn hóa thiếu nhi An Giang. Chưa bao giờ những chiếc bánh quen thuộc và bình dân được chào đón nồng nhiệt bởi khách hàng ở mọi lứa tuổi. Các gian hàng hội tụ từ nghệ nhân, cơ sở làm bánh đến những người khéo tay trổ tài với hàng chục loại bánh, có sắc màu, mùi vị phong phú.

“Lâu lắm mới cảm nhận lại cảm giác như được vui Tết ngày xưa. Trong một không gian Tết thu nhỏ, người lớn hay trẻ em đều có chỗ tận hưởng niềm vui riêng. Thích nhất là mấy năm nay có thêm nhiều tiểu cảnh để người dân du Xuân có thể chụp hình, trẻ em có chỗ để vui chơi lành mạnh” - chị Nguyễn Kim Thoa (người dân huyện Châu Phú) chia sẻ.

Ngoài ra, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức chương trình nghệ thuật chủ đề mừng Đảng - mừng Xuân; tổ chức các môn thi đấu thể dục - thể thao, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa - văn nghệ của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Các tiết mục văn nghệ, hội thi ca - múa - nhạc của ngành, cấp huyện, xã… được ráo riết tập luyện, đầu tư chu đáo, có tính sáng tạo, đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Năm nay, lần đầu tiên tại quảng trường huyện Phú Tân, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện sẽ tổ chức không gian đờn ca tài tử và chương trình văn nghệ đón giao thừa. Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt, phục vụ nhân dân thưởng thức món ăn tinh thần truyền thống và ý nghĩa.

Tết thêm đẹp trọn vẹn khi các hoạt động đã khơi dậy và giữ gìn những giá trị truyền thống. Đó là hội thi viết câu đối thư pháp với những “ông đồ” không chuyên, những tà áo dài lộng lẫy, thướt tha. Tết nhộn nhịp bên góc trang trí heo đất, xanh xanh đỏ đỏ, nhấn nhá hình đồng xu, hoa mai vàng xinh xắn.

Tết chấm phá qua từng nét vẽ trên bao lì xì, kèm mấy câu chúc ngộ nghĩnh và thông điệp tốt lành sang năm mới. Tết càng thêm ấm lòng bên những đòn bánh tét gói cả tình thương, sự chăm chút của các bà, các chị. Ý nghĩa hơn, sản phẩm hoàn thiện từ các hội thi được đem tặng hoặc gây quỹ để giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, để ai cũng được hưởng niềm vui năm mới, thêm kỳ vọng mới.

“Gấp như Tết!” là cảm giác năm nay ai cũng thấy rõ. Giữa nhịp sống bộn bề cuối năm, những hoạt động phong phú mang Tết về như giúp phần nào cân bằng lại tâm thái. Hòa mình vào Tết, vừa làm giàu đời sống tinh thần của người dân, vừa giữ lại những nét văn hóa truyền thống. Tết cổ truyền vì thế có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân và toàn thể dân tộc, bởi những giá trị tốt đẹp được vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Tết còn là sự đoàn viên, sum vầy, là yếu tố quan trọng thắt chặt tình đoàn kết, sự gắn bó của cá nhân với gia đình, Tổ quốc, quê hương…

MỸ HẠNH