Nối dài những nhịp cầu… Hy Vọng!

26/06/2020 - 05:24

 - Những cây cầu nối liền đôi bờ ở nông thôn liên tiếp được khánh thành, đưa vào sử dụng với tên gọi “Hy Vọng” không chỉ tạo điều kiện đi lại, giao thương cho người dân mà còn “Nâng bước em đến trường” như đúng tên gọi của mỗi cây cầu do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang phối hợp quỹ Hy Vọng thực hiện.

Cắt băng khánh thành cầu Hy Vọng 98

Vui mừng, phấn khởi trong chờ đợi - đó là tâm trạng của bà con nông thôn từ ngày cây cầu Hy Vọng nơi mình ở được khởi công, xây dựng và khánh thành. Là huyện có hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư xây dựng cầu để đảm bảo giao thông thuận lợi, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thoại Sơn là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh nhiều cây cầu do địa phương xây dựng, những cây cầu Hy Vọng đã và đang được xây dựng ở Thoại Sơn thời gian qua càng góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn, phục vụ đời sống dân sinh và sự phát triển của huyện.

Sáng 21-6, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang phối hợp quỹ Hy Vọng tổ chức lễ khánh thành cầu Hy Vọng 98 (cầu Vĩnh Tây, xã Vĩnh Phú) và cầu Hy Vọng 64 (cầu Kênh Trục, xã Định Thành) - “Nâng bước em đến trường”.

Theo đó, cầu Hy Vọng 98 dài 38m, rộng 4m, độ thông thuyền 18m, kinh phí xây dựng 525 triệu đồng. Trong đó, quỹ Hy Vọng và Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại do địa phương vận động đối ứng. Còn với cầu Hy Vọng 64, kinh phí xây dựng hơn 450 triệu đồng.

Trong đó, quỹ Hy Vọng hỗ trợ 150 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại do địa phương vận động đối ứng. Ngoài ra, còn có sự góp sức của lực lượng công an, quân sự và cán bộ, công chức, nhân dân xã Định Thành, với hơn 200 ngày công lao động.

Một buổi sáng nhưng lại có quá nhiều niềm vui từ tiếp nối thành công ở những cây cầu Hy Vọng trước. Phó Chủ tịch UBND xã Định Thành Nguyễn Quốc Vũ bày tỏ: “Những năm qua, xã luôn phát huy tốt phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nhất là công trình cầu, đường giao thông nông thôn. Từ truyền thống tốt đẹp đó, cầu Hy Vọng 64 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nối đôi bờ kênh Trục trong niềm hân hoan, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương”.

Cầu Hy Vọng 64 (cầu kênh Trục) dài 28m, rộng 3,5m; tải trọng 3 tấn với kết cấu bê-tông cốt thép. Quá trình vận động, thi công gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và sự hỗ trợ lớn từ nguồn quỹ Hy Vọng cũng như sự đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con nhân dân cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, cây cầu với diện mạo mới đã hoàn thành tốt đẹp trong niềm vui khôn xiết.

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng và duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên để tỏ lòng tri ân đến những nhà hảo tâm, doanh nghiệp” - ông Vũ chia sẻ thêm.

Chung niềm vui khi cầu Hy Vọng 98 khánh thành, bởi cầu cũ trước kia được làm bằng gỗ, nhỏ hẹp, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu về tải trọng, ảnh hưởng việc giao thương và cả việc đi lại, học hành của con em ở ấp Trung Phú 6 (xã Vĩnh Phú).

“Quá trình xây dựng cầu đều dựa vào sức dân là chính, từ các khâu làm cầu tạm, đổ trụ, đóng trụ, đóng cừ, đổ bê-tông. Những bữa cơm trưa đạm bạc, những nỗi vất vả pha lẫn giọt mồ hôi trong lúc thi công cũng không làm nản lòng những quyết tâm vì sự phát triển của xã Vĩnh Phú. Nhiều cán bộ, công chức đã không ngại khó khăn, nặng nhọc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người cán bộ nên đã cùng xắn tay áo, chung sức cùng nhân dân xây dựng cầu.

Tổng kinh phí dự toán xây dựng cầu Hy Vọng 98 là 700 triệu đồng nhưng tổng kinh phí thực hiện chỉ 525 triệu đồng, giảm so với dự toán 175 triệu đồng. Tất cả đều nhờ nhân công của các chú, các bác, lực lượng tại chỗ của xã tham gia đóng góp ngày công xây dựng” - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Chủ tịch quỹ Hy Vọng Trương Thanh Thanh chia sẻ: “Cách đây 2 năm, chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng 100 cây cầu Hy Vọng cho bà con ở ĐBSCL với ước vọng mang lại niềm hy vọng nhỏ bé góp nên niềm hy vọng lớn cho quê hương, đất nước. Rất vui mừng vì đến nay, chúng tôi đã khởi công vượt quá kỳ vọng được 138 cây cầu.

Riêng ở An Giang, quỹ Hy Vọng đã đồng hành cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang xây dựng 43 cây cầu; hiện đã khánh thành, đưa vào sử dụng 25 cây cầu. Hy vọng, chúng ta sẽ không dừng lại ở con số 43 cây cầu Hy Vọng mà sẽ có thêm nhiều hơn thế nữa trong thời gian tới!”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN