Nỗi lo thuốc bảo vệ thực vật giả

03/09/2024 - 06:02

 - Lợi nhuận tương đối cao, cùng nhiều bất cập trong quản lý, dẫn tới tình trạng nhiều người làm giả, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng. Từ đó, khiến cho nông dân lo lắng khi vô tình sử dụng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại về kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc BVTV thường được nông dân sử dụng phòng trừ sâu bệnh, dịch hại… Tuy nhiên, khi gặp phải thuốc BVTV giả, sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho nông dân về năng suất cây trồng, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức... tài sản của nông dân bỏ ra cũng không thu hồi lại được.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả luôn được các cấp chính quyền quan tâm sâu sát. Phần lớn cơ sở kinh doanh chấp hành quy định về niêm yết giá; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Dù vậy, ở từng thời điểm khác nhau, tình hình hàng giả, gian lận thương mại vẫn xảy ra, quy mô hoạt động nhỏ lẻ. Các đối tượng tiếp thị hàng hóa đến bán trực tiếp cho hộ kinh doanh (không qua hệ thống phân phối), không xuất hóa đơn, chứng từ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện kiểm tra, bắt giữ, xử lý vi phạm…

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Long Xuyên đưa đối tượng Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 1988, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu), Cao Thanh Tùng (sinh năm 1987, ngụ khóm Đông Hưng, phường Đông Xuyên) và Nguyễn Thanh Thái (sinh năm 1990, ngụ khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) ra xét xử và tuyên phạt tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc BVTV”.

Phát hiện thuốc bảo vệ thực vật bị làm giả

Khoảng 15 giờ, ngày 5/1/2024, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an TP. Long Xuyên phối hợp Công an phường Mỹ Thới phát hiện Tùng điều khiển xe môtô chở 1 thùng thuốc BVTV đến bến xe, chuẩn bị giao hàng về huyện Giồng Giềng (tỉnh Kiên Giang), Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Khi Tùng, Thái tiếp tục đóng nắp chai thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Khám xét tại 2 địa điểm, cùng sự giao nộp tang vật của các tài xế xe tải, lực lượng công an tạm giữ tổng cộng 163 chai Anvil, 32 chai Amistartop, 16 gói Antracol, 569 gói Vua đạo ôn (nghi là thuốc giả). Ngày 9/1, Đạt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Long Xuyên đầu thú. Ngày 11/1, Đạt, Tùng và Thái bị khởi tố điều tra.

Đạt khai nhận sống bằng nghề mua BVTV từ nhân viên tiếp thị của các công ty sản xuất, bán lại kiếm lời. Quá trình mua bán, biết được thành phần, hoạt chất, màu sắc của từng loại thuốc, Đạt nảy sinh ý định sản xuất thuốc BVTV giả. Khoảng tháng 6/2023, Đạt bàn bạc, rủ rê Tùng cùng tham gia.

Nhiệm vụ của Đạt là mua nguyên liệu, máy móc, tem nhãn, hướng dẫn cách phối trộn các sản phẩm, giao dịch mua bán với khách hàng. Nhiệm vụ của Tùng là tìm địa điểm theo yêu cầu của Đạt để sản xuất, nhận nguyên liệu, thực hiện pha trộn, đóng gói, dán nhãn, đóng seal, nắp chai, đem giao cho khách hàng thông qua chành xe.

Sau đó, Tùng chọn địa điểm sản xuất thuốc BVTV giả ở khóm Trung An, phường Mỹ Thới và tiệm giặt ủi Hồng Ánh (đường Quản Cơ Thành, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) do vợ Tùng làm chủ. Các mặt hàng thuốc BVTV giả mà Đạt và Tùng sản xuất, gồm: Nhãn hiệu Anvil 5SC loại 1lít/chai, 20 chai/thùng; nhãn hiệu Amistartop loại 250ml/chai; nhãn hiệu Antracol 70WP, loại 1kg/gói; nhãn hiệu Vua đạo ôn, loại 100gr/gói. Đối với loại thuốc Anvil, Amistartop, Tùng được trả công 10.000 đồng/chai, Antracol 10.000 đồng/gói, Vua đạo ôn 1.000 đồng/gói.

Các đối tượng làm thuốc bảo vệ thực vật giả phải trả giá

Sau thời gian, thấy việc “làm ăn” thuận lợi, nên khoảng tháng 8/2023, Đạt rủ thêm Thái và mượn nhà ở khóm Tây Huề 2 (phường Mỹ Hòa) làm nơi sản xuất thuốc BVTV giả. Nguyên, vật liệu do Đạt mua của nhiều người trong và ngoài tỉnh, không nhớ họ tên, địa chỉ. Chai, nắp, seal, nhãn dán, bao bì... mua thông qua ứng dụng Facebook, Messenger (không nhớ tên tài khoản của người bán).

Đạt nhận hàng hóa và trả tiền bằng hình thức thu hộ. Một số nguyên, vật liệu được mua ở nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (không nhớ tên cửa hàng). Sau khi sử dụng các nguyên liệu để pha chế, tổng chi phí sản xuất ra 1 sản phẩm giả là 75.000 đồng, 1 gói Vua đạo ôn giả 7.000 đồng.

Từ tháng 6/2023 đến ngày 5/1/2024, Đạt, Tùng, Thái đã sản xuất, bán 20 chai Anvil 5SC; 140 chai Amistartop; 4.900 gói Vua đạo ôn; 30 gói Antracol 70WP; 150 gói Antracol 70WP; 100 chai Anvil 5SC; 60 chai Anvil 5SC cho nhiều người trong và ngoài tỉnh, tổng trị giá thuốc giả đã bán tương đương với số lượng hàng thật là gần 146 triệu đồng. Thu lợi bất chính tổng cộng gần 53 triệu đồng (trong đó Đạt 36,5 triệu đồng, Tùng 9,9 triệu đồng và Thái 6,4 triệu đồng).

Đây chỉ là một trong số những vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Thực tế, số vụ vi phạm trong sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc BVTV dởm, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận mang lại quá lớn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã sử dụng “chiêu trò”, làm tăng chi phí cho  nông dân, trong khi tác dụng của các loại phân bón bị giảm sút.

Anh Hữu Phước (huyện Tri Tôn) cho biết: “Làm nghề nông vốn đã vất vả, không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng phải chịu thiệt khi mua phân bón kém chất lượng thì quả là cơ cực. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để, hoặc không có hướng xử lý phù hợp, nông dân như chúng tôi còn gặp thêm rủi ro nữa”. Hiện nay, nạn phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh, thành phố, tập trung nhiều ở khu vực ĐBSCL, khiến nông dân rất lo lắng, hoang mang.

Bên cạnh việc thường xuyên chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... của các lực lượng chức năng liên quan, mỗi người dân cũng phải tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả.

NGUYỄN HƯNG