Nơi mùa xuân đến sớm nhất cả nước

05/01/2022 - 06:02

 - Trong khi ở đất liền, nhà nhà đón Tết vui xuân, bộ đội Trường Sa đứng gác trong gió gào sương biển, căng thẳng theo dõi mục tiêu và làm nhiệm vụ chuyên môn. Các anh đang đối mặt với gian khổ, thầm lặng hy sinh, tất cả vì Tổ quốc đón xuân bình yên. Thế nhưng, xuân Nhâm Dần 2022 đã chớm nở trong tim của người lính ở quần đảo thân thương xa nhất của Tổ quốc.

Chuyển quà xuống tàu

Cuộc tiễn đưa vắng người

Thiếu tá Lê Minh Sum, Thuyền trưởng tàu 744 cho biết, trước diễn biến của đại dịch COVID-19, để an toàn tuyệt đối cho bộ đội tàu, việc vợ, con tiễn chân thủy thủ trước khi đi Trường Sa đành gác lại. Tuy nhiên, các thủ tục tiễn tàu vẫn diễn ra bình thường, chỉ có lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. “Đây là chuyến tàu đem mùa xuân cho quân dân Trường Sa. Chúng tôi quyết tâm chuyển quà xuân đến tận tay cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang công tác, sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, làng chài Núi Le và Tốc Tan” - thiếu tá Lê Minh Sum chia sẻ.

Không bịn rịn như những lần đi trước, thượng úy Bùi Tấn Vương (Máy trưởng Tàu 744) đứng trên cầu cảng đưa tay vẫy chào người thân từ xa. Đại dịch COVID-19 làm anh và gia đình “cách trở” nhiều ngày không gặp mặt. Nỗi nhớ gia đình, người thân quặn thắt, nhưng anh đành nén lại. Tất cả vì an toàn của tàu trước giờ đi đảo. “Để an toàn cho chuyến hải trình Trường Sa, ngoài chuẩn bị các khâu, các bước đời sống khác; thì bảo dưỡng, bảo quản, kiểm tra vận hành máy tàu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Máy hoạt động tốt, tàu mới chạy; máy có khỏe, tàu với vượt qua sóng to gió lớn. Đây là chuyến đem hơi ấm mùa xuân từ đất liền đến Trường Sa, nên tất cả phải chuẩn bị chu đáo” - thượng úy Vương bộc bạch.

Thiếu tá Hoàng Đình Ngà (Chính trị viên Hải đội 922, Hải đoàn 129) cho biết: “Đi thăm, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa là hoạt động thường niên của Hải đoàn. Đây là tình cảm, sự quan tâm động viên, tạo sự gắn kết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đồng thời, đây là đợt bổ sung vật tư, trang thiết bị kỹ thuật của Hải đoàn, giúp âu tàu, làng chài đáp ứng nhu cầu cấp bách của ngư dân khi đang khai thác hải sản trên biển một cách hiệu quả”.

Tiễn tàu 744 đi Trường Sa

Hy sinh thầm lặng

Từ đảo Tiên Nữ, trung úy Mai Văn Thịnh (nhân viên thông tin, quê tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ qua điện thoại: “Mùa xuân đang về trong tim bộ đội đảo Tiên Nữ rồi anh ơi. Tất cả anh em đang chờ đợi tàu đem quà Tết ra. Ở đảo đón Tết cũng như ở đất liền, chỉ khác không có vợ con, bố mẹ, nhưng có đồng đội bên cạnh, nỗi nhớ đất liền tạm vơi đi”. Trung úy Thịnh chia sẻ thêm, anh công tác ở đảo Tiên Nữ gần 1 năm. Giữa năm 2021, vợ anh “vượt cạn” một mình ở quê nhà. Anh chỉ biết mặt con qua hình vợ gửi Zalo. “Lính đảo Trường Sa ai cũng như tôi. Thầm lặng và cống hiến là bản lĩnh của lính. Khi Tết đến, xuân về, mong muốn ở cạnh người thân, gia đình là tất yếu. Nhưng nếu không có những người canh đảo, thì ai giữ chủ quyền Tổ quốc? Sứ mệnh thiêng liêng nhất của lính đảo là bảo vệ yên bình Trường Sa. Trường Sa có bình yên vững chắc, thì đất liền mới đón Tết vui xuân an bình, hạnh phúc” - trung úy Thịnh tâm sự.

Gắn bó với Cô Lin qua mấy mùa giông bão, đảo trưởng Cô Lin - đại úy Nguyễn Văn Cường đã quen với nắng gió, thời tiết khắc nghiệt. “Trong khi ở đất liền, người người nhà nhà quây quần bên nhau đón Tết, thì chúng tôi tuần tra, canh gác bảo vệ biển đảo. Chúng tôi chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi quần đảo Trường Sa được bảo vệ vững chắc. Đây là cơ sở để nhân dân cả nước đón Tết yên bình” - đại úy Nguyễn Văn Cường chia sẻ. Trước khi nhận công tác ở đảo Cô Lin, vợ chồng anh có bé trai hơn 2 tuổi. Ra đảo nhận nhiệm vụ công tác được khoảng 3 tuần, anh nhận được tin vui của vợ. Khi biết tin vợ sinh bé gái, anh không kiềm nổi cảm xúc. “Do điều kiện thông tin, tôi vẫn chưa biết mặt con. Công tác ở Trường Sa nhiều năm, ra đảo, về bờ nhiều lần, nhưng chuyến về đất liền tới đây có ý nghĩa đặc biệt với tôi” - anh Cường tâm sự thêm.

Mùa xuân đến sớm

Những ngày cuối cùng của năm 2021, khắp 21 đảo, điểm đảo và 33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa như khoác lên mình màu áo mới. Tất cả đảo nổi, đảo chìm đang tăng tốc thực hiện “3 mục tiêu kép”: Vừa bảo vệ vững chắc đảo, vừa chống dịch COVID-19, vừa chuẩn bị chu đáo cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết vui xuân.

 Từ đảo Đá Thị, trung úy Nguyễn Văn Cảnh, nhân viên lái xuồng chia sẻ, những ngày qua, anh và đội tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành chỉ tiêu cuối năm. Những căn nhà được quét sơn trắng. Công trình thanh niên, cây xanh được sửa sang làm đẹp. Đảo đang “biên tập” tờ báo tường “Mùa xuân biển, đảo” để “phát hành” đêm giao thừa.

Trong khi đó, thầy giáo Bành Hữu Tình (đảo Trường Sa Lớn) cho hay, thầy và học sinh, phụ huynh đang tập luyện văn nghệ để cùng bộ đội Trường Sa biểu diễn đêm 29 Tết. Còn các chiến sĩ đảo Sơn Ca thì tranh thủ cuối tuần sơn mới gốc cây, làm mới đường nối liền giữa các phân đội để sẵn sàng đón Tết.

Trường Sa đã vào xuân - mùa xuân đặc biệt không có COVID-19 như ở đất liền. Dù cách xa đất liền, nhưng Trường Sa là nơi có không khí mùa xuân sớm nhất cả nước. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào, mùa xuân chưa bao giờ đến muộn.

MAI THẮNG