Đàn cá được gia đình Ba Dũng chăm sóc như “thú cưng”
Đủ loại cá
Tháng 10 âm lịch, cơn bấc non thoáng qua mặt sông đưa dòng nước sóng sánh trôi về nơi vô định. Những chiếc xuồng câu lưới tranh thủ khai thác thủy sản cuối mùa nước lũ. Cá, tôm bị khai thác dẫn đến cạn kiệt dần trong tự nhiên. Ấy vậy mà, có bầy cá tìm chỗ trú ẩn an toàn, sinh sản bên ngôi nhà sàn bình dị.
Ghé thăm nhà ông Trần Ngọc Dũng (Ba Dũng, 71 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), người bảo vệ đàn cá thiên nhiên bên dòng sông Hậu, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy các thành viên trong gia đình cặm cụi băm từng mớ rau, cải, mít chín quăng xuống mé sông. Mấy chốc, đàn cá nhào lên ăn, trông như cảnh ngư dân cho cá ăn trong ao, bè vậy.
Ngót nghét 4 năm, đàn cá này được gia đình Ba Dũng thuần dưỡng, xem như “thú cưng”. Không như những nơi khác chủ yếu cá tra trú ẩn thì điều độc, lạ ở đàn cá sinh sống dưới sàn nhà Ba Dũng là các loại cá có vảy, như: Cá he, cá mè vinh, cá chài, trắm cỏ...
Theo ước tính, bầy cá hoang khoảng 4 tấn, gạn bán cho bạn hàng sẽ kiếm được vài chục triệu đồng. Thế nhưng, gia đình Ba Dũng không vì tiền mà bán đàn cá thân thương, bởi các thành viên xem đàn cá như “báu vật” trời ban.
Chị Năm (con gái Ba Dũng) quăng mớ cải xuống sông, đàn cá he ngoi lên ăn rầm rộ, trông rất thích. Ngoài sông sâu, ghe cào, lưới chạy lạch cạch khai thác cá, tôm, nhưng đàn cá vẫn ung dung đớp mồi. “Đàn cá dạn lắm. Ngày nào cũng có xuyệt điện bên ngoài, nhưng không dính con cá he nào, chúng cứ bơi lội tung tăng trong sàn nhà tôi” - chị Năm trần tình.
Căn nhà của Ba Dũng là khu vực rất “ấm”, có một bãi sông rộng, nhiều loài cỏ xước mọc um tùm nên là chỗ ở lý tưởng đối với đàn cá he. Để tạo chỗ ở thêm an toàn, Ba Dũng dùng cây cắm quanh khu vực bãi bồi, không cho ghe, xuồng vào bên trong đánh bắt cá trộm lúc đêm khuya. Bên ngoài, ông dựng nhiều bảng “xin đừng bắt cá” để báo cho ngư dân biết rằng đàn cá này được gia đình ông bảo vệ.
"Mình bao lưới xung quanh, vậy mà họ cứ thọt cặp vợt sâu bên trong chích điện, đàn cá phải chạy vào sàn nhà trốn” - Ba Dũng bộc bạch.
Mới đây, gia đình Ba Dũng cưa gỗ cất thêm căn nhà sàn nhỏ, tiện băm rau, thái mít… “Cất nhà rầm rập, tưởng cá đi ra sông rồi. Ai ngờ hôm sau, chúng lên ăn mồi kín cả sàn nhà” - Ba Dũng cho hay.
Cơ duyên kỳ lạ
Căn nhà sàn của Ba Dũng nằm nép mình bên dòng sông Hậu hiền hòa, nơi có nhiều ghe xuồng qua lại khai thác thủy sản, tưởng như không còn cá. Thế nhưng, một buổi chiều tà, gia đình Ba Dũng vô tình làm đổ cơm nguội xuống sông, rồi bắt gặp đàn cá bu đông đớp mồi. “Cá sông thường nhút nhát, sợ con người đánh bắt, hiếm khi vào nhà dân ở. Nghĩ cũng là cơ duyên, nên sau mỗi buổi cơm, gia đình tôi chừa lại cơm nguội, mồi cặn đổ xuống sàn nhà, đàn cá kéo về ngày càng đông” - Ba Dũng kể.
Sợ những người xuyệt điện bơi xuồng vào sàn nhà “chích” bắt cá, Ba Dũng dùng lưới B40 giăng ngang mé sông, rồi trồng lục bình, cỏ xước để cá có nơi trú ẩn an toàn. Thời gian qua nhanh, đàn cá “rủ” nhau đến ở ngày càng nhiều, Ba Dũng phải cắm cọc nới rộng diện tích mặt nước để đàn cá sinh sản.
Thương đàn cá hoang, gia đình Ba Dũng vừa lao động lam lũ kiếm sống, vừa phải “gồng” mình rong ruổi đến các chợ đầu mối để tìm thức ăn. Khi thì nhặt bó cải, trái mít hư, chuối chín muồi, gom những bó rau muống, dưa leo, bắp cải, khóm, bí đao, trái cây hư, rồi xin cơm thừa, canh cặn chở về làm thức ăn cho đàn cá.
“Bà xã tôi ở nhà băm nhỏ các loại rau để cá dễ ăn. Như biết thân phận, chúng không kén mồi, thứ gì cũng ăn” - Ba Dũng cho hay.
Khắp nơi trong xóm, ai cũng biết đến đàn cá hoang này. Vì vậy, khi có rau, cải bỏ đi, người dân ở chợ gom lại chờ gia đình Ba Dũng mang về làm thức ăn cho đàn cá. Nhiều lần lại nhà Ba Dũng, chị Miền (quê ở huyện Phú Tân) cũng mê đàn cá he này. Ngày nào rỗi rảnh, chị chạy xe xuống chợ Long Xuyên thu gom “đồ ế”, rồi chở về băm cho cá ăn.
“Trước giờ tui có qua bên Đồng Tháp, Chợ Mới, Châu Đốc, rồi xuống Vàm Nao… xem những đàn cá tra trú ngụ. Nhưng thật lạ, đàn cá ở đây là cá he đuôi đỏ, cá chài, cá mè vinh, trông rất đẹp” - chị Miền tâm sự.
Bác Hai Bé (72 tuổi, hàng xóm với Ba Dũng) cho hay, gia đình ông Dũng ăn chay trường, sống hiền lành. Nhà không ruộng rẫy, quanh năm sống bằng nghề làm bánh bao chay dạo bán khắp nơi. Tuy cuộc sống không dư dả nhưng khi nghe ở đâu làm việc thiện, gia đình Ba Dũng đều đến giúp đỡ. “Sở dĩ đàn cá thiên nhiên kéo về cư ngụ phía sau nhà Ba Dũng là do ổng sống rất lương thiện. Chứ nếu trú ẩn ở nơi khác, có thể đã bị đánh bắt từ lâu” - Hai Bé phân tích.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Nguyễn Hoàng Huy cho biết, các loài cá da trơn, cá có vảy hiện nay đều được sinh sản nhân tạo thành công. Mỗi năm, ngành chức năng và người dân tổ chức nhiều đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các con sông, rạch. Trong quá trình di cư, có thể đàn cá tìm nơi thuận lợi trú ẩn, rồi quen dần với môi trường nuôi dưỡng của con người. Những người có lòng thuần dưỡng, bảo vệ đàn cá thiên nhiên rất đáng quý. |
HOÀNG MỸ