Nông dân An Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là phong trào lớn của giai cấp nông dân Việt Nam, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp phát động trong lực lượng nông dân cả nước. Phong trào đã khơi dậy, phát huy tính sáng tạo, sự cần cù trong lao động, sản xuất của hội viên, nông dân toàn quốc. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD tiêu biểu, nhiều gương điển hình xuất sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tham gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
“Năm 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và phát động phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi và quy định tiêu chuẩn, quy trình xét chọn. Trên cơ sở đó, hội nông dân các cấp đã xây dựng kế hoạch triển khai, phát động, hướng dẫn nông dân đăng ký nông dân SXKD giỏi các cấp và doanh nhân nông thôn cấp tỉnh năm 2023. Nhìn chung, công tác lãnh, chỉ đạo phong trào của các cấp hội từ tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ, xét chọn đến việc kiểm tra đã đi vào nền nếp. Nhờ đó, việc công nhận nông dân SXKD giỏi các cấp sát thực tế hơn trước đây” - ông Nguyễn Văn Nhiên phân tích.
Năm 2023, tổng số cá nhân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi 3 cấp của An Giang là 85.323 người, đạt 95% so với số phiếu đăng ký. Đồng thời, có 63 tập thể đạt danh hiệu này của cấp tỉnh, cấp huyện. Tỉnh còn có 1.086 nông dân là doanh nhân nông thôn. Về thu nhập, cá nhân có mức thu nhập thấp nhất là 150 triệu đồng/năm, cao nhất trên 52 tỷ đồng/năm. Đây là kết quả tích cực, cho thấy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tại An Giang đã có bước tiến cả về chất và lượng trong những năm qua.
“Trong hàng chục ngàn nông dân SXKD giỏi của tỉnh, nổi lên những cá nhân xuất sắc với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có thể kể đến ông Nguyễn Đức Nhuận (khóm Long Hưng 2, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) với doanh thu 52 tỷ đồng, ông Khưu Đức Hùng (khóm Long Hưng 1, phường Mỹ Thới) với doanh thu 46,2 tỷ đồng hay ông Phan Văn Thụ (ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) với doanh thu 26,25 tỷ đồng/năm… Họ đều là những cá nhân dám nghĩ, dám làm và thành công với hoạt động SXKD của mình, trở thành động lực, là tấm gương về ý chí vươn lên cho toàn thể nông dân An Giang” - ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.
Qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, “Cánh đồng lớn”... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Năm 2023, các cấp hội đã xây dựng 210 mô hình tiêu biểu, 247 sản phẩm lợi thế với 5.920 hội viên, nông dân tham gia; phối hợp với ngành nông nghiệp cấp 446 mã số vùng trồng, diện tích 18.160,67ha trên toàn tỉnh.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tác động tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, “Tương thân, tương ái” giúp nhau giảm nghèo tại các địa phương. Năm 2023, hội nông dân các cấp phối hợp với các ban, ngành vận động Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cây mùa Xuân, Tết quân - dân từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh được 38.423 phần quà, 70 chiếc xe đạp, 27 thùng sữa; hỗ trợ 57 suất học bổng cho học sinh nghèo, cất mới 18 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Nhân ái; cung cấp trên 2.000 tấn gạo, mì gói cho hộ nghèo… với tổng kinh phí 13,78 tỷ đồng.
“Năm 2024, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình SXKD giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế. Khích lệ, động viên nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư mở rộng sản xuất, làm giàu bền vững” - ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin.
Các cấp hội đổi mới công tác đăng ký, xét chọn và phát động 80% hộ nông dân đăng ký thi đua trở thành nông dân SXKD giỏi, có ít nhất 80.000 nông dân giỏi các cấp được công nhận. Gắn phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi với công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội, tăng cường tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.
Với hội nông dân cấp cơ sở, cần tập trung xây dựng, nhân rộng những điển hình SXKD giỏi, nhân rộng mô hình câu lạc bộ nông dân giỏi, câu lạc bộ doanh nhân nông thôn. Tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình có hiệu quả để nâng cao trình độ SXKD, kỹ năng quản lý, điều hành.
“Mục tiêu quan trọng là phát huy nguồn lực sẵn có của lực lượng nông dân giỏi các cấp, làm nòng cốt cho các phong trào của hội, tham gia các mô hình kinh tế hợp tác. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên xác định.
THANH TIẾN