Nông dân An Phú thi đua làm giàu

15/06/2022 - 06:46

 - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng mà phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Qua phát động phong trào thi đua đã giúp nông dân đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xây dựng địa bàn nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Đổi mới tư duy sản xuất

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện An Phú ngày càng lan tỏa và phát triển sâu rộng, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm trồng lúa trên cánh đồng xã Vĩnh Lộc, ông La Thanh Tuấn (ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc) đã được tham dự nhiều lớp hội thảo, tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, như: Ruộng lúa bờ hoa, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... Nhờ mạnh dạn áp dụng các biện pháp canh tác này đã giúp gia đình ông giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. Từ những kết quả đạt được, ông Tuấn đã bắt đầu thử nghiệm trồng lúa không phun thuốc trừ sâu, rầy trên diện tích 5.000m2. Sau lần đầu trồng thí điểm, kết quả mang lại rất khả quan, ông Tuấn mạnh dạn nhân rộng diện tích sản xuất lên 8ha.

Nhờ áp dụng phương pháp này, ông Tuấn giảm lượng lúa giống từ 12kg/công xuống còn 8kg/công. Trong quá trình canh tác, ông hoàn toàn không sử dụng thuốc điều trị sâu, rầy. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm từ 500-1.000 đồng/kg. Dù giảm lượng giống gieo sạ và không xài thuốc trừ sâu nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo so với các hộ khác.

Ngoài giảm chi phí, phương pháp này còn giúp ông Tuấn giảm công chăm sóc, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nông sản sạch cho người dùng; lợi nhuận ông Tuấn thu được tăng thêm từ 3-8 triệu đồng/ha. Với những kết quả mà ông Tuấn thu được đã tạo tiền đề để những nông dân khác mạnh dạn áp dụng trên mảnh ruộng của mình, đến nay diện tích sản xuất theo mô hình này đã được nhân rộng lên 320ha.

Hội viên nông dân huyện An Phú tích cực thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Tại thị trấn Long Bình, những năm qua, nông dân đã tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cây xoài keo. Mô hình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm. Từ năm 2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Bình ra đời với mục đích xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong chuỗi liên kết kinh tế cho nông dân trồng xoài keo nói riêng và cây ăn trái nói chung. Với những chiến lược hiệu quả, xoài keo của HTX đã vào được các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với nguồn thu nhập ổn định.

Tích cực phát triển phong trào

Bằng nhiều hình thức khác nhau, hội viên nông dân trên địa bàn huyện An Phú đã tích cực làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Giai đoạn từ 2019-2022, huyện An Phú đã có 12.345 lượt nông dân và 33 tập thể được công nhận nông dân SXKD giỏi 3 cấp (1.134 lượt nông dân cấp tỉnh, 4.063 cấp huyện, còn lại cấp xã). Thông qua phong trào nông dân SXKD giỏi, đã góp phần ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất. Hội Nông dân huyện và cơ sở đã phối với ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, như: Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trên lĩnh vực trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên lĩnh vực trồng màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; các mô hình sản xuất đa canh, mô hình làm vườn... Nhiều mô hình mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân có cuộc sống ngày càng sung túc, có nhiều đóng góp cho xã hội, giúp đỡ hộ nghèo bằng các hình thức, như: Trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ vật chất, đóng góp ngày công lao động trong sửa chữa nhà Tình thương, cất nhà Tình nghĩa… cùng nhiều công việc thầm lặng khác, nhằm giúp những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thông qua phong trào nông dân SXKD, sự gắn bó giữa tổ chức hội và hội viên nông dân ngày càng bền chặt, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội phát triển vững mạnh.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện An Phú đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của các hội viên nông dân. Những cách làm mới, hiệu quả đã được triển khai, áp dụng vào sản xuất không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người nông dân.

Huyện An Phú hiện có 3 chi hội nghề nghiệp, 50 tổ hội nghề nghiệp, 45 tổ hợp tác, 22 câu lạc bộ nông dân, thu hút 1.716 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt. Giai đoạn 2019-2022, Hội Nông dân huyện An Phú đã kết nạp thêm 1.499 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 3.706 người.

 

ĐỨC TOÀN