Nông dân Châu Phú vui Xuân không quên đồng ruộng

19/02/2024 - 06:47

 - Mặc dù vui Xuân, đón Tết nhưng nông dân trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) vẫn không quên việc chăm sóc đồng ruộng, với mong muốn bước sang một năm mới làm ăn sung túc, “trúng mùa, được giá”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Phú, vụ đông xuân 2023 - 2024, hoàn huyện đã xuống giống với diện tích 32.197,4ha, đạt 99,85% kế hoạch. Lúa phát triển giai đoạn đẻ nhánh 9.807ha, giai đoạn làm đòng 21.692,4ha, giai đoạn trổ 698ha. Hầu hết các trà lúa đều phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Do đây là vụ sản xuất chính trong năm, nên nông dân đều quan tâm chăm sóc, không chủ quan, lơ là vì thời điểm sau Tết, điều kiện thời tiết rất thuận lợi để các loại sâu bệnh phát triển và gây hại trên các trà lúa vụ đông xuân.

Đang loay hoay chăm sóc hơn 2,5ha lúa trong giai đoạn đòng - trổ, anh Trần Quân Bình (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) thông tin: “Giá lúa đang ở mức cao, vụ đông xuân này thương lái đặt cọc mua lúa sớm, giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Ai cũng chú trọng bảo vệ năng suất lúa, quan tâm chăm sóc lúa, đặc biệt là dành thời gian thăm đồng mùa Tết, đề phòng dịch bệnh trên lúa”.

Ngành nông nghiệp tổ chức thăm đồng thường xuyên

Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Đặc biệt, thực hiện các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm.

Từ trong Tết đến sau Tết, nông dân Trần Văn Hò (xã Bình Chánh) vẫn luôn tất bật ngoài đồng ruộng để chăm sóc cho 4ha lúa Đài Thơm 8 của gia đình. Lúa đang trong giai đoạn đòng - trổ, là giai đoạn phát triển rất quan trọng của cây lúa nên ông Hò phải thường xuyên thăm đồng, không dám lơ là. Kinh nghiệm mùa Tết, thời tiết thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại nhiều hơn. Do đó, nếu chỉ mãi lo vui Xuân mà bỏ quên đồng ruộng, khi có sâu bệnh tấn công sẽ tốn nhiều chi phí và ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận khi thu hoạch.

 “Lúa của gia đình tôi đang phát triển rất tốt, chỉ có chuột, rầy nâu gây hại nhẹ. Để đạt năng suất cũng như giảm chi phí, tôi áp dụng “1 phải, 5 giảm”, đồng thời thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện dịch bệnh, phun xịt thuốc phòng trừ kịp thời. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sau Tết còn có đợt rầy phấn trắng gây hại, nên tôi tranh thủ thăm đồng thường xuyên để nếu có sâu bệnh sẽ kịp thời xử lý” - ông Hò chia sẻ.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, để chủ động phòng, chống các loại dịch hại, bảo vệ năng suất và sản lượng trong vụ đông xuân 2023 - 2024, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch hại trên cây trồng huyện Châu Phú đã triển khai kế hoạch tổ chức các đoàn thăm đồng, kiểm tra tình hình sản xuất, phòng, chống dịch hại tại các địa phương trên địa bàn huyện trước, trong và sau Tết. Đồng thời, phân công cán bộ trực trong những ngày nghỉ Tết, kiểm tra đồng ruộng; thực hiện báo cáo tình hình dịch hại 2 ngày/lần, riêng trong những ngày nghỉ Tết đã thực hiện báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch hại trên cây trồng huyện Châu Phú.

Ngành nông nghiệp huyện còn khuyến cáo bà con nông dân tăng cường quản lý dịch hại bằng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, không bón thừa phân đạm… Để chủ động phòng trừ các loại sâu, bệnh gây hại trên lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên sau Tết, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để có phòng trừ hiệu quả.

Không riêng gì nông dân huyện Châu Phú, hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh đều quân tâm chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân. Vui Xuân nhưng không quên đồng ruộng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp đặt ra cho lực lượng cán bộ kỹ thuật toàn tỉnh. Do vậy, thời điểm trước, trong và sau Tết, việc chủ động thăm đồng, quản lý dịch bệnh được ngành nông nghiệp và nông dân triển khai thực hiện khá tốt, góp phần bảo vệ lúa vụ đông xuân, đảm bảo vụ mùa bội thu.

TRỌNG TÍN