Nông dân Tân Châu chủ động ứng phó với giá phân bón tăng cao

09/07/2021 - 04:40

 - Thời gian gần đây, giá phân bón trên thị trường tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) khuyến cáo nông dân cần tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, bón phân đúng cách, đúng lúc, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành để nâng cao lợi nhuận.

Bón phân theo nhu cầu của cây lúa trong từng giai đoạn

Nông dân TX. Tân Châu chú trọng nâng chất lượng sản phẩm

Cụ thể trên cây lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, bón phân theo bảng so màu lá hay theo nhu cầu của cây lúa; tuyệt đối không bón thừa phân nhằm tiết kiệm chi phí. Trên rau màu, ngành khuyến cáo nông dân bón phân đúng lúc, đúng cách để duy trì mức lợi nhuận tối thiểu sau mỗi vụ thu hoạch.

Vụ sản xuất hè thu năm nay, TX. Tân Châu xuống giống 12.155ha, trong đó diện tích trồng lúa 10.699ha, hoa màu 1.456ha. Những năm qua, nhờ thực hiện chủ trương xả lũ để lấy phù sa, trên đồng ruộng của Tân Châu, mỗi năm có 30% diện tích sản xuất được xả lũ cho phù sa bồi đắp đồng ruộng, nhờ đó lượng phân bón cho cây trồng giảm đáng kể. “Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã có chủ trương sản xuất “3 năm, 8 vụ”.

Trong 8 tiểu vùng đê bao khép kín, ngành nông nghiệp cho các vùng luân phiên xả lũ, từ đó đồng ruộng xanh tốt, lúa và hoa màu cho năng suất, chất lượng cao, giúp nông dân giảm bớt lượng phân bón trong mỗi vụ mùa” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê chia sẻ.

Giai đoạn 2020-2025, thị xã xây dựng kế hoạch xả lũ hàng năm. Năm 2021, trong 8 vùng đê bao khép kín, thị xã cho chủ trương xả lũ vùng đê bao Bắc Vĩnh An, gồm các xã: Phú Vĩnh, Châu Phong, Lê Chánh, Long An, diện tích vùng này 3.316ha. Thời gian xả lũ từ ngày 20-8 đến 15-11-2021. Gia đình ông Huỳnh Trung Dưỡng (ngụ tổ 3, ấp Vĩnh Thạnh 2, xã Lê Chánh) sản xuất 5,9ha lúa. Hiện, lúa đã được 50 ngày tuổi, đang sinh trưởng để lúa mang đòng. Giá phân tăng cao những ngày qua buộc ông Dưỡng đưa ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

“Tháng 11-2020, phân đạm Cà Mau có giá 355.000 đồng/bao. Đầu năm 2021, chỉ trong vòng 2 tháng, phân bón tăng 100.000 đồng/bao (450.000 đồng/bao). Hiện nay, giá bán là 600.000 đồng/bao, trong khi nông sản từ lúa đến xoài, mít, ớt, sắn đều bị rớt giá, đẩy nông dân vào tình thế khó khăn” - ông Dưỡng chia sẻ.

Giá phân bón tăng cao, để duy trì sản xuất, nông dân Huỳnh Trung Dưỡng cũng như nhiều nông dân khác đã triệt để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Tùy vào loại đất, cây trồng mà nông dân chủ động bón phân hợp lý, ngoài sử dụng phân bón vô cơ, nông dân còn tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và dễ tiêu thụ.

“Xã Tân An là vùng chuyên canh rau màu. Khi chưa có dịch bệnh COVID-19, sản phẩm được đưa đi tiêu thụ cả nước, xuất khẩu mạnh sang thị trường Campuchia. Từ khi có dịch bệnh COVID-19 đến nay, nông sản rớt giá, giá phân vô cơ tăng. Vì vậy, ngoài việc không bón thừa phân cho cây trồng, nông dân đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, như: phân chuồng, rơm mục, phân dơi, phân gà để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm…” - ông Trần Văn Tám (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Chủ động ứng phó với đại dịch, với giá phân bón tăng cao, nông dân TX. Tân Châu đang cùng nhà nước thực hiện nhiều biện pháp duy trì sản xuất, tiếp tục nâng cao thu nhập. Cụ thể, trong ứng phó với dịch bệnh, Hội Nông dân thị xã vận động hội viên và nhân dân trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện thông điệp “5K”. Khi phát hiện trong xóm, ấp có hộ gặp khó khăn, bà con “nhường cơm sẻ áo”. Các loại rau củ, xoài trồng từ vùng Tân An, Long An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương được nông dân tặng cho những hộ dân nghèo, hộ gặp khó khăn trong đại dịch.

Về lâu dài, để tránh tình trạng sản xuất không hiệu quả, thị xã tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả ở vùng đất Phú Vĩnh, Lê chánh sang trồng các loại mai vàng, mai giảo nhằm tăng thêm giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất. Vùng đất cồn bãi, thị xã quy hoạch nuôi cá tra giống (công nghệ cao) để cung cấp ra toàn vùng ĐBSCL. Riêng vùng bờ bao Vĩnh Xương, Phú Lộc, thị xã quy hoạch trồng cây ăn trái 650ha để đưa sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, xoài thơm Vĩnh Hòa ra thị trường thế giới.

Hiện, Hợp tác xã trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài keo, xoài cát Hòa Lộc với Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan (TP. Long Xuyên). Mối liên kết này mở ra triển vọng lớn cho đầu ra của sản phẩm trong vùng, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

“Chủ động ứng phó với giá phân bón tăng cao, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật TX. Tân Châu khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, không bón thừa phân. Khi có thị trường mới tổ chức sản xuất, tránh xảy ra tình trạng “cung cầu bất nhất”. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện liên kết trong sản xuất để đầu ra thuận lợi tối đa cho sản xuất” - Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật TX. Tân Châu Tôn Hồng Tân khuyến cáo.