Vào những này này, nông dân làng hoa An Thạnh (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) tất bật chuẩn bị đưa ra thị trường những chậu hoa đẹp nhất. Làng hoa đã rộn ràng vào vụ chính, cung ứng khoảng 60.000 chậu hoa cho thị trường Tết trong tỉnh và các địa phương lân cận. Ngoài việc bỏ mối cho các thương lái, nhiều nhà vườn còn vận chuyển qua Chợ hoa xuân TP. Long Xuyên để bán kiếm thêm thu nhập. Những loại hoa cung ứng dịp Tết chủ yếu là: Cúc, vạn thọ, cát tường, hướng dương, hoa hồng...
Hiện nay, nông dân làng hoa đang gấp rút các công đoạn chăm sóc để hoa ra đều, đẹp, bán được giá dịp Tết. Ông Bùi Văn Hùm (ngụ ấp An Thạnh, xã Hòa An) cho biết, Tết được xem là vụ chính trong năm, nên việc chuẩn bị được chuẩn bị rất kỹ. Để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng phải chuẩn kỹ càng từ khâu làm đất cho đến chăm sóc. Hoa phát triển tốt, bông to và chắc, đòi hỏi phải chăm sóc tỉ mỉ, thường xuyên bón phân, tưới nước liên tục, đảm bảo độ ẩm cho cây... Ông Hùm chia sẻ: “Năm nay, tôi trồng gần 5.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là vạn thọ, cúc và cát tường. Thời tiết thuận lợi, nên hoa nở đều và đẹp. Mấy ngày gần đây, thương lái bắt đầu đến tận vườn đặt cọc mua hoa, tôi mới bán hơn 3.000 chậu hoa các loại, còn lại tôi đem qua bán ở chợ hoa Xuân TP. Long Xuyên. Hy vọng giá bán sẽ cao hơn năm ngoái để mọi người có lãi, ăn Tết phấn khởi”.
Chăm sóc hoa kiểng Tết
Để chủ động cung ứng nguồn rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 11 âm lịch, nông dân đã tích cực xuống giống và chăm sóc. Đối với các loại rau lấy củ và rau ăn trái, do thời gian sinh trưởng lâu, nên được trồng sớm hơn rau ăn lá. Phần lớn diện tích rau màu được trồng chuẩn bị cho vụ Tết, như: Dưa hấu, khổ qua, bắp cải, ớt, hành, dưa leo, rau cải các loại… Nhìn chung, rau màu có sức tiêu thụ mạnh từ nửa đầu tháng 12 (âm lịch) dần đến Tết Nguyên đán, nên nguồn hàng được nông dân chuẩn bị sớm và luân phiên thu hoạch.
Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) tất bật chăm sóc 2 công hành và 3 công bắp cải. Theo ông Thanh, trồng rau an toàn không khó, bên cạnh bỏ công chăm sóc, cần áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, chú trọng sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tuân thủ đúng quy trình, thì nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất cao, chất lượng an toàn nên bán được giá hơn so các loại rau bình thường khác.
Tết là cơ hội vàng, vì hầu hết các loại trái cây đều tăng giá và tăng nhu cầu, nên nhiều nông dân trồng cây ăn trái cũng đang tất bật tập trung vào vụ sản xuất cuối năm. Những ngày này, chị Võ Thị Bích Thủy (ngụ xã Vĩnh An, huyện Châu Thành) tích cực chăm sóc 4 công bưởi bán vào dịp Tết, bởi vụ Tết sẽ là cơ hội để gia đình chị có thu nhập tốt nhất trong năm. Nếu như ngày thường, bưởi có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng vào dịp Tết có thể sẽ tăng lên 40.000 - 60.000 đồng/kg. Dự kiến, gia đình chị sẽ cung ứng khoảng 2 tấn bưởi cho thị trường Tết. “Những ngày Tết, người dân thường mua bưởi để chưng nên ngoài việc đảm bảo chất lượng ngon, ngọt, mọng nước còn phải chú trọng đến ngoại hình, đảm bảo trái bưởi to, tròn, màu sắc đẹp. Do đó, cần tuyển chọn những trái đẹp, cắt bỏ bớt những trái xấu ngay khi trái bưởi còn nhỏ và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, sâu bệnh để kịp thời xử lý, đặc biệt là phải đảm bảo tốt nguồn nước tưới cho cây bưởi” - chị Thủy chia sẻ.
Để người nông dân sản xuất rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng Tết đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình rau an toàn, sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng
|
TRUNG HIẾU