Nông dân Thoại Sơn gặp khó trong tiêu thụ nông sản

11/08/2021 - 07:01

 - Thương lái mua lúa bỏ cọc hoặc mua với giá thấp hơn giá lúa trung bình vụ hè thu năm 2020, thời gian thu hoạch kéo dài, khó khăn trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản… Đó là tình cảnh hiện nay của nhiều nông dân ở các địa phương vùng sâu của huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang).

Mấy hôm trước, ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn) “đứng ngồi không yên” khi 60 công đất trồng lúa sắp đến ngày thu hoạch mà không liên lạc được với thương lái. Đến khi liên lạc được, ông Phong được người mua cho hay do giá lúa sụt giảm và gặp khó khăn khi vào địa bàn để thu mua, vì cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên họ quyết định bỏ cọc.

Ngay sau đó, ông Phong đã nhanh chóng tìm người khác để thu mua lúa. Với lúa giống OM380, ông Phong chỉ bán được giá 4.600 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg so hợp đồng cọc với thương lái trước đó). Trừ chi phí, tính ra ông Phong lời khoảng vài trăm ngàn đồng một công đất (1.000m2). Lợi nhuận thu về thấp nhưng ông Phong cảm thấy may mắn so với nhiều nông dân khác, bởi có nông dân sản xuất chỉ huề vốn hoặc lỗ vì phải tốn thêm chi phí thuê đất từ 1-1,2 triệu đồng/công/vụ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vọng Đông Đỗ Quốc Khanh cho hay, địa phương đang trong kỳ thu hoạch lúa, nông dân đã thu hoạch 2.000ha trên tổng số hơn 2.700ha. Nếu như thương lái đã đặt cọc thu mua lúa các loại từ 5.300-5.700 đồng/kg, nay đã bỏ cọc hoặc thu mua với giá rất thấp. Một số thương lái cho biết, bản thân họ đang gặp khó trong việc đi lại để thu mua lúa, vì cả tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; người thu mua, các đội vận chuyển phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo quy định. Việc này làm chậm quá trình thu mua, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản nên khi bán ra giá sẽ không cao. Do vậy, họ chấp nhận bỏ cọc hay chỉ thu mua chút ít để giảm thiểu rủi ro. Chính tâm lý trên đã làm nông dân chịu nhiều thiệt thòi, sau một mùa vụ vất vả nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí còn thua lỗ.

Thoại Sơn tăng cường quản lý nhân công thu hoạch lúa

Theo thống kê của UBND huyện Thoại Sơn, tính đến ngày 5-8-2021, nông dân trên toàn huyện đã thu hoạch vụ lúa hè thu được hơn 25.000ha trên tổng số 38.087ha, năng suất trung bình 6 tấn/ha. Giá lúa thu mua với giống IR50404 từ 4.300-4.400 đồng/kg, trong khi giá lúa trung bình vụ hè thu năm 2020 là 5.200 đồng/kg. Giá thu mua lúa OM380 từ 3.900-4.100 đồng/kg, lúa OM18 có giá 5.600 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá 5.700 đồng/kg, riêng OM5451 có giá từ 4.600-4.700 đồng/kg.

Nắm bắt tình hình khó khăn của thương lái và nông dân trong hoạt động thu hoạch và mua bán nông sản, UBND huyện đã có hỗ trợ kịp thời, như: thương lái thu mua, các đội ghe vận chuyển nông sản được yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống COVID-19 theo thông điệp ”5K” và có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định. Tuy nhiên, lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, do tài xế phải thường xuyên test nhanh COVID-19 mỗi khi qua chốt nên cũng cần nghỉ ngơi vài ngày mới đi lấy hàng tiếp...

Nhằm đảm bảo công tác thu hoạch lúa và không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm đã ký Công văn 772/UBND-TH về việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản của nông dân trên địa bàn huyện trong tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, trong việc quản lý máy gặt đập liên hợp và nhân công theo máy, người lao động khi đến địa bàn xã, thị trấn phải có kết quả âm tính trong 24 giờ hoặc trong 3 ngày đối với xét nghiệm PCR của cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi tổ chức hoạt động thu hoạch tại địa bàn xã, thị trấn phải đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ”, hoạt động thu hoạch, ăn uống, sinh hoạt cá nhân theo hình thức “cuốn chiếu” ở một vùng hoặc một xã, thị trấn; hạn chế, không tiếp xúc với người bên ngoài, cho đến khi xong khu vực đã đăng ký mới chuyển sang xã, thị trấn khác.

Đặc biệt, thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về thu hoạch, tiêu thụ nông sản cấp xã nhằm xây dựng kế hoạch thu hoạch, tiêu thụ nông sản của xã, báo cáo tiến độ hàng ngày, phản ánh khó khăn, bức xúc cần đề xuất về huyện (đối với lúa báo cáo loại giống, dự kiến thời gian thu hoạch, giá lúa, ước sản lượng, nhân công cắt, bốc vác…); quản lý lực lượng máy cắt, nhân công bốc vác, tình hình thu mua lúa của thương lái, về việc chấp hành biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản; tiến độ xuống giống, tình hình gia cố đê bao, cống bửng, bơm nước chống úng và sản xuất vụ thu đông năm 2021.

TRÚC PHA