Tất bật vào vụ
Hàng năm, cứ vào tháng 7 (âm lịch), các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tất bật xuống giống các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nên nhiều nông dân chủ động giảm số lượng, diện tích trồng hoa. Năm nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bà con nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích xuống giống, quy mô sản xuất với tâm lý phấn khởi, hy vọng vụ hoa Tết bội thu.
Vụ hoa Tết được đánh giá là quan trọng nhất trong năm của người trồng hoa
Thời điểm này, vườn hoa Tám Mẫn (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) trở nên nhộn nhịp, khách trong và ngoài địa phương tấp nập đến đây để mua cây giống. Ông Phan Minh Mẫn (chủ vườn hoa Tám Mẫn) cho biết, đây là thời điểm thích hợp để xuống giống hoa Tết. Bình quân mỗi ngày, vườn hoa Tám Mẫn bán khoảng 7.000 cây giống, những lúc cao điểm có thể lên hơn 10.000 cây. Cây giống vào thời điểm này chủ yếu là hoa cúc, do thời gian sinh trưởng lâu.
Đến khoảng tháng 10, 11 (âm lịch), ông Mẫn bán thêm hoa vạn thọ, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Ngoài được cung cấp cây giống tốt, chất lượng, đến với vườn hoa Tám Mẫn, nông dân còn được hướng dẫn quy trình chăm sóc, cách thức sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách tận tình.
Những năm gần đây, nhờ đầu tư xây dựng nhà lưới nên việc canh tác cây giống được thuận lợi hơn. Theo ông Mẫn, với việc canh tác hoa giống trong nhà lưới giúp hạn chế tác động thời tiết nên chủ động được thời vụ sản xuất. Ngoài ra, cây trồng trong nhà lưới tránh được sâu bệnh gây hại nên giảm tối đa chi phí sản xuất và công chăm sóc. Từ đó, hiệu quả kinh tế nâng lên khoảng 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống.
Đặc biệt, những năm gần đây, ngoài việc cung cấp hoa cho thị trường và cây giống cho nông dân, ông Mẫn còn đầu tư, phát triển thêm dịch vụ du lịch, tạo điểm đến thú vị cho các bạn trẻ gần xa. Với khu vực rộng khoảng 2ha, ông Mẫn trồng nhiều giống hoa: Hướng dương, cúc, cát tường, thược dược, đồng tiền, cánh bướm… cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ông Mẫn còn đầu tư xây dựng nhiều tiểu cảnh mới lạ trong dịp Tết này và gian hàng cho thuê trang phục chụp ảnh…
Giá dự báo giảm nhẹ
Theo nhiều nông dân, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần phải chăm sóc kỹ lưỡng cây ngay từ khi xuống giống. Trong quá trình sinh trưởng của cây, nông dân hết sức tỉ mỉ, cẩn thận trong từng thời điểm, từng khâu chăm sóc để cho ra sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, nông dân còn chủ động, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có những biện pháp bảo vệ vụ hoa Tết kịp thời. Nhiều hộ còn sử dụng đèn chiếu sáng vào ban đêm, nhất là đối với cúc pha lê để đảm bảo ánh sáng phù hợp giúp điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp Tết…
Thời điểm này, gia đình nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) đang tất bật chăm sóc đợt hoa Tết. Năm nay, gia đình ông Phong xuống giống khoảng 15.000 chậu cúc pha lê. Mấy ngày nay, mặc dù thời tiết có mưa kéo dài khiến cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong việc trồng cúc pha lê nên vườn hoa không bị ảnh hưởng. Ngược lại, nhờ chăm sóc thường xuyên nên các cây hoa cúc đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa khả quan.
Những năm gần đây, gia đình ông Phong chỉ trồng cúc pha lê trong những chậu vừa và nhỏ, kích thước từ 12-80cm, không sử dụng chậu lớn như trước. Lý giải điều này, ông Phong chia sẻ: “Trong khi những chậu lớn chỉ phục vụ đối tượng khách hàng khá giả nên số lượng bán không nhiều. Còn những chậu vừa và nhỏ, có thể phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng, từ bình dân cho đến người có điều kiện về kinh tế nên được nhiều người lựa chọn, từ đó dễ bán hơn so với những chậu lớn”.
Theo dự tính, giá các loại cúc pha lê năm nay dao động từ vài chục ngàn đến 1,5 triệu đồng/cặp. Ông Phong chia sẻ:“Giá cúc pha lê năm nay dự đoán không tăng so với năm trước, ngược lại sẽ giảm đôi chút. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nông dân mở rộng diện tích trồng hoa Tết nên nguồn cung khá nhiều. Điều này sẽ kéo theo giá hoa giảm so năm trước”.
Ông Phong còn cho biết, hiện nay, tình hình phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, không vì vậy mà nông dân bị ảnh hưởng. Bởi, trồng cúc pha lê chủ yếu dựa vào kỹ thuật canh tác, công chăm sóc, chi phí phân bón hầu như không đáng kể.
Hoa Tết là mùa được người trồng hoa trông đợi nhất trong năm. Do đó, chủ vườn vẫn không khỏi lo ngại trước những biến đổi khó lường của thời tiết và sự bấp bênh của thị trường. Người trồng hoa chỉ mong mưa thuận gió hòa, thị trường ổn định để có được một mùa xuân vui tươi, đầm ấm.
ĐỨC TOÀN