Ngọt ngào vụ quýt
Từ dưới chân núi, chúng tôi “quá giang” cáp treo lên đỉnh núi Cấm. Sáng sớm, tiết trời mát dịu, rất dễ chịu. Khí hậu se lạnh, quanh năm cây cối xanh tốt là điều kiện thuận lợi để sơn dân lập vườn trồng cây ăn trái, mang lại thu nhập rủng rỉnh. Có người biết khai thác lợi thế, tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, mạnh dạn trồng cây ăn trái có múi cho nhập cao, thậm chí vươn lên giàu có. Nghĩ lại thật khâm phục sức người bé nhỏ, vậy mà cải tạo “sỏi đá” thành nơi trồng trọt hiệu quả. Từ vồ Thiên Tuế, chúng tôi đi “xe ôm” qua các điểm trồng quýt, như: Cao Đài Tự, vồ Đầu, Điện 13, vồ Bà Cửu. Các vườn quýt cho trái oằn cành, trông mê mắt.
Ghé khu vườn của một người dân, chúng tôi chuẩn bị vào bên trong tham quan thì vợ chồng họ khiêng giỏ quýt từ trong vườn ra. Anh nói, vườn này thuộc sở hữu của hợp tác xã “Đất vàng Bảy Núi”, muốn vào phải liên hệ trước. Thấy vậy, chúng tôi nhờ tài xế “xe ôm” chở lên vườn quýt của anh Thảo ở vồ Bà Cửu. Gặp chúng tôi, anh Thảo mừng rơn, huyên thuyên chuyện trồng quýt trên núi. Dạo quanh vườn quýt 60 công của anh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước gam màu xanh, vàng lẫn lộn. Vào sâu bên trong, chúng tôi bị chìm đắm trong “rừng” quýt, ngó lên gặp quýt, trông xuống vực cũng gặp quýt.
Ngồi bệt bên tảng đá, anh Thảo kể, ngày trước khu vực này toàn sỏi đá. Ba anh từ dưới chân núi, sáng nào cũng lên đây khai khẩn, cuốc đất cực nhọc, tay chân rã rời. Dọn cỏ, xeo nại đá chất lại từng chỗ gọn gàng để tạo khoảng trống trồng trọt. Chiều xuống, ông nhanh chân tuột dốc núi trở về nhà vì sợ... thú rừng. Làm quần quật nhiều năm trời, ông mới buộc nơi sỏi đá khuất phục người. Khai hoang được mấy ha, ông trồng chuối, mãng cầu ta, gừng, su… nhưng hiệu quả mang lại không cao.
![Núi Cấm vui mùa quýt hồng](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250206/images/7-LM(1).jpg)
Quýt núi Cấm trái to, đẹp thương lái ưa chuộng
Sau này, ông nghĩ ra ý tưởng mua giống quýt hồng Lai Vung mang lên núi trồng. Cách làm táo bạo này bị nhiều người chê bai, vì vào mùa khô trên núi thiếu nước, nếu đem cây quýt về trồng không khác nào bỏ tiền, phí công sức. Tuy nhiên, khu vực đồi núi bên vồ Bà Cửu có con suối nhỏ, mùa mưa nước chảy ầm ào. Tận dụng nguồn nước trời ban, ông đào ao, lót bạt tích trữ nước tưới quýt trong mùa khô. Nhờ vậy, cây quýt phát triển xanh tốt trên núi.
Tiếp nối thành công người đi trước
Năm tháng trôi qua, vườn quýt hồng trên vồ Bà Cửu thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, cho trái oằn cành. Tiếp nối thành công của ba mình, anh Thảo canh tác quýt năm nào cũng trúng vụ, bán được giá. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi: “Vụ quýt năm nay có lời không?”, thì anh khiêm tốn: “Kiếm ăn được…!”. Nghe anh đáp vậy, chúng tôi cũng mừng lây. Từ 25 đến 27 tháng Chạp, anh bẻ quýt bán 20 tấn trái, bán sỉ cho thương lái giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh còn lời vài trăm triệu đồng. “Năm nay nhuận, tôi sẽ tỉa cành, chăm sóc vườn quýt từ tháng 3. Từ khâu chăm sóc đến khi bán ra thị trường phải mất 9 tháng ròng. Trồng quýt cực lắm chú em ơi, nhưng có điều kiện thuận lợi, mình phải bám núi để kiếm thêm thu nhập” - anh Thảo trần tình.
Hiện nay, trên núi có nhiều sơn dân lập vườn quýt cho huê lợi cao. Nhà vườn còn cho du khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Du khách gặp không gian trên núi toàn quýt sai trái, ai cũng muốn được “check-in”. Tuy nhiên, nhà vườn dặn, khách vào tham quan, chụp ảnh, không được bẻ, phá quýt, gây thiệt hại vụ mùa. Có nhiều vườn quýt rất rộng bên triền núi trống hoác, không có hàng rào ngăn cách, du khách thoải mái vào chụp hình, nhưng không bẻ mang đi. Từ trên triền núi, bước xuống vườn quýt của anh Hạnh, chúng tôi cứ ngỡ lạc vào xứ sở của vườn quýt hồng ở Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp). Vườn quýt của anh Hạnh mỗi vụ thu hoạch hàng chục tấn.
Các anh “xe ôm” thường xuyên chở khách qua lại vườn quýt này bật mí, anh Hạnh gốc gác ở TP. Cần Thơ. Mấy năm nay, anh lên núi mua đất lập vườn trồng quýt hàng chục công, mỗi vụ Tết anh bẻ bán trên 30 tấn trái, bỏ túi ngót nghét vài trăm triệu đồng. Quanh năm, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho núi Cấm điều kiện khí hậu mát rượi y như Đà Lạt. Tận dụng lợi thế này, sơn dân khai khẩn, biến quýt thành loại trái cây đặc hữu chốn non cao, vừa phát triển du lịch, vừa mang lại thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay nhà vườn gặp khó khi đất núi ngày càng bạc màu, nhiều dịch bệnh tấn công cây quýt. Trong khi đó, phân thuốc bảo vệ thực vật luôn tăng theo vụ mùa, tốn thêm chi phí đầu tư. Khoảng 29 hộ chuyên canh cây quýt trên núi Cấm, tổng diện tích 30,4ha. Dịp Tết Nguyên đán, bà con thu hoạch quýt, vận chuyển xuống núi cân cho tiểu thương rôm rả, tạo nét đặc trưng riêng miền sơn cước.
LƯU MỸ