Những thành tựu này không chỉ thể hiện qua việc nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mà còn ở việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới. Sau năm 1975, nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa 1 vụ và cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung trồng lúa chất lượng cao, rau màu và cây ăn trái. Đến năm 2018, trên 65% sản lượng lúa của nông dân được xuất khẩu, đạt giá trị 180 triệu đồng/ha, tăng hơn 100 triệu đồng so năm 2009.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thị xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Năm 2020, 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ phát triển, tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Các mô hình tiêu biểu là trồng dưa lê, dưa lưới (trong nhà lưới, nhà kính), giống cá tra 3 cấp phục vụ xuất khẩu. Nông dân sử dụng công nghệ tưới của Israel (hệ thống tưới phun sương điều khiển từ xa bằng điện thoại) vào trồng rau màu, xoài cát Hòa Lộc, xoài keo. Những mô hình này giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất đáng kể.

Vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao
“TX. Tân Châu đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, thị xã đã chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân” - ông Lê Trọng Oanh (Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường TX. Tân Châu) chia sẻ. Bên cạnh đó, Tân Châu còn đẩy mạnh việc thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn. Hiện tại, trên địa bàn thị xã có 17 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 14 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Địa phương còn huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, mở rộng lộ giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 81 tỷ đồng; đầu tư công trình thủy lợi hơn 40 tỷ đồng. Hệ thống đê bao dài 178km với 36 tuyến đê bao bảo vệ sản xuất đã được xây dựng, cùng với 110 trạm bơm điện đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. “Tôi rất tự hào trước sự đổi mới từng ngày của quê hương, xứ sở. Từ nông thôn nghèo khó ngày nào nay đã vươn lên trở thành đô thị loại III, đời sống người dân ngày càng no ấm” - ông Võ Văn Nam (phường Long Thạnh) bày tỏ.
Ngoài đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, TX. Tân Châu tận dụng lợi thế địa phương phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) phục vụ du lịch. Đến nay, thị xã có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, bao gồm: Tương hột và tương xay của Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ (4 sao); sản phẩm tung lò mò (lạp xưởng bò) và lò mò Pđăm (khô bò) của Hộ kinh doanh Anas; mắm chao cá mè vinh của Hộ kinh doanh Ba Lộc (3 sao)… Việc phát triển các sản phẩm này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, mà còn thúc đẩy du lịch và kinh tế nông thôn.
Thành tựu nổi bật của nông nghiệp TX. Tân Châu trong 50 năm qua có được là nhờ chính sách hỗ trợ, định hướng đúng đắn từ chính quyền địa phương. UBND thị xã thực hiện nhiều chính sách, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động nông dân mạnh dạn tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác. Nhà nước đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, giúp vùng sản xuất được xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao, trạm bơm. Giao thông nông thôn hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ngành nông nghiệp thị xã đã chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện, từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang quy mô sản xuất hàng hóa. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp đều xuất khẩu. Các mô hình trồng trọt, nuôi cá đã giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Từ đó, đời sống nông dân không ngừng cải thiện, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày được củng cố, tăng cường.
MINH HIỂN