Nông thôn đổi mới - Nông dân làm giàu

19/12/2024 - 07:44

 - Với địa hình tự nhiên thuận lợi và truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, An Giang sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nghề nông thôn, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo thành các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn

Hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn trái cây trĩu quả, hay những làng nghề truyền thống sôi động là những nét đặc trưng của vùng đất An Giang. Ngành nghề nông thôn không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống của người dân, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Để phát huy tối đa tiềm năng và khắc phục những hạn chế, tỉnh An Giang đã ban hành Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, mục tiêu của chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch (DL) nông thôn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa), phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương. Duy trì, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận...

Những mục tiêu cụ thể

Với quyết tâm nâng cao đời sống người dân nông thôn, tỉnh An Giang đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ là 35%; hỗ trợ ít nhất 200 thanh niên khởi nghiệp từ các sản phẩm ngành nghề nông thôn, trong đó có 15 thanh niên đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập 4 HTX do thanh niên làm chủ; hỗ trợ ít nhất 4 mô hình điểm liên kết sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn gắn với hoạt động DL, điểm DL cộng đồng, sản phẩm DL và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu có 250 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 50% là sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn; 15 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá cấp quốc gia; phấn đấu thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng 2,5 lần so năm 2020.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, An Giang định hướng đến năm 2045, sẽ tập trung vào phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu mạnh mẽ cho các sản phẩm này, kết hợp phát triển DL nông thôn để tăng sức cạnh tranh. Một trong những trọng tâm của chiến lược là chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo thành các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, nâng cao thu nhập người dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm OCOP An Giang

Hướng đến phát triển bền vững

“Ngành nghề nông thôn từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của ngành, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn một cách bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển ngành nghề nông thôn. Qua đó, tạo đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực. Mặt khác, việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông qua việc phổ biến các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đầu tư sẽ thu hút các nguồn lực tài chính và công nghệ, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp...

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các cơ sở, DN ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Một trong những trọng tâm của chiến lược này là việc đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, trang bị kiến thức về công nghệ 4.0, giúp họ nắm vững các kỹ thuật sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm hiện đại. Hỗ trợ DN đổi mới, chuyển giao công nghệ, các chính sách ưu đãi, các chương trình hỗ trợ tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới.

Để nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm, tỉnh An Giang khuyến khích các cơ sở sản xuất xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp) và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường. Việc đăng ký mã số - mã vạch cho các sản phẩm cũng là một bước đi quan trọng để quản lý chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh…

Với những giải pháp trên, tỉnh An Giang đang từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao vị thế của các sản phẩm nông nghiệp địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

THU THẢO