Nước dừa có tác dụng gì?

28/01/2024 - 16:56

Nước dừa là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy nước dừa có tác dụng gì?

Dừa là thức uống được nhiều người yêu thích. Vậy nhưng không phải ai cũng biết đến hết tác dụng của nước dừa. Vậy, nước dừa có tác dụng gì và cần lưu ý gì khi uống nước dừa.

Nước dừa có tác dụng gì?

Nước dừa là loại nước giải khát phổ biến được rất nhiều người yêu thích và sử dụng nhất là khi thời tiết nắng nóng. Không ít người trong chúng ta đều có chung một thắc mắc là uống nước dừa có tác dụng gì?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, người ta ưa chuộng nước dừa không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó mà còn nhờ giá trị dinh dưỡng do nó đem lại.

Đặc biệt ở những vùng có khí hậu nhiệt đới nắng nóng, bên cạnh nước dừa tinh khiết được lấy ra từ những trái dừa tươi xanh, người dân còn uống nước dừa được sản xuất theo dạng lon hoặc đóng chai.

Ngoài công dụng giải khát, loại nước này còn được dùng thay thế cho chất bù điện giải, dùng làm thuốc và sử dụng trong làm đẹp, nấu ăn.

Công dụng chống oxy hóa

Trong quá trình trao đổi chất, các tế bào của cơ thể con người sẽ tạo ra các gốc tự do. Khi các phân tử này xuất hiện quá nhiều sẽ khiến cơ thể chúng ta gặp phải tình trạng stress oxy hóa, dẫn tới tổn thương tế bào và làm tăng rủi ro mắc các loại bệnh lý khác nhau.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng trong nước dừa có dự trữ một loại chất công dụng chống oxy hóa tuyệt vời, qua đó giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể trước những tổn thương do các gốc tự do gây nên.

Hỗ trợ phòng ngừa sỏi thận

Sỏi thận là kết quả của quá trình tích tụ quá nhiều các tinh thể làm từ oxalat, canxi và một số chất khác trong nước tiểu. Khi sỏi phát triển ngày càng nhiều, gia tăng cả về kích thước lẫn độ cứng có thể gây ra nhiều đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Thậm chí nhiều trường hợp còn phải phẫu thuật để loại bỏ những viên sỏi này ra khỏi cơ thể.

Nước dừa có khả năng ngăn ngừa việc hình thành sỏi thận hoặc sỏi ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu. Ngoài ra nó còn hỗ trợ giảm thiểu số lượng sỏi kết tụ, hạn chế việc sản sinh ra các gốc tự do nhờ chu trình phân giải nồng độ oxalat cao có trong nước tiểu.

Nước dừa có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người

Nước dừa có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người

Tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Một số nghiên cứu đã chứng minh nước dừa có thể giúp điều chỉnh được lượng đường trong máu, cải thiện hiệu quả triệu chứng trên bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát tốt các biểu hiện của tình trạng stress oxy hóa.

Cụ thể, trung bình một cốc nước dừa (khoảng 240ml) chứa khoảng 6g calo tiêu hóa và 3g chất xơ, ngoài ra còn chứa nhiều magiê giúp tăng độ nhạy insulin. Điều này cho thấy nó nên góp mặt trong thực đơn dinh dưỡng của người bị tiền đái tháo đường và tiểu đường type 2.

Ổn định huyết áp

Nước dừa cũng có công dụng cải thiện số đo huyết áp tâm thu. Lượng kali chứa trong nước dừa còn được chứng minh giúp hỗ trợ giảm huyết áp ở những bệnh nhân bị huyết áp cao.

Đặc biệt các nhà khoa học còn phát hiện nước dừa giúp ngăn cản sự hình thành các huyết khối, phòng chống nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ, rất tốt cho hệ tim mạch.

Ngăn ngừa táo bón

Nước dừa có đặc điểm là thanh mát, giải nhiệt, tác dụng nhuận trường và phòng ngừa hiệu quả tình trạng táo bón.

Những người không nên uống nước dừa

Nước dừa tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể uống được. Báo VnExpress dẫn lời tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi uống nhiều nước dừa cần lưu ý đến lượng calo nạp vào để tránh bị tăng cân, ví dụ khoảng 330 ml nước dừa cung cấp 60 kcal.

Bác sĩ lưu ý phụ nữ mang thai không nên uống quá nhiều nước dừa. Nhìn chung, bà bầu nên chọn nước lọc là nguồn nước chính của cơ thể, không nên thay thế hoàn toàn bằng nước dừa hoặc bất kỳ thức uống nào khác.

Với người muốn giảm cân, nước dừa phải được tính vào tổng năng lượng trong ngày. Đối với người tập luyện vừa phải, uống nước dừa giúp cơ thể bù nước tốt tuy nhiên không phù hợp với người tập luyện nặng.

Bác sĩ khuyên những người có nguy cơ tăng kali máu cần thận trọng hơn khi uống nước dừa, cụ thể gồm người bệnh thận, đang dùng thuốc ức chế men chuyển, ức chế beta, kháng sinh (penicillin), đái tháo đường không kiểm soát, suy thượng thận, bỏng, tán huyết, ly giải cơ vân.

Lưu ý: Thành phần trong nước dừa là nhược trương (chứa ít muối) nên không phải là thức uống phù hợp để thay thế điện giải trong những trường hợp mất natri nặng (đổ mồ hôi nhiều). Dù vậy, đây không phải là tình huống thường gặp.

Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Nước dừa có tác dụng gì?". Hãy uống nước dừa đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.

Theo THANH THANH(VTC News)