Nguyễn Vũ Linh giới thiệu các sản phẩm của cơ sở
Gian phòng nhỏ nằm cặp Quốc lộ 91 (thuộc khu vực ấp Vĩnh Phú) chứa đầy các mảng gỗ với đủ mọi kích thước, cùng nhiều dụng cụ phục vụ quá trình chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ chính là nơi Nguyễn Vũ Linh thuê để làm cơ sở bắt nguồn cho quá trình khởi nghiệp của mình. Điểm đáng chú ý trong gian phòng nhỏ ấy chính là những mô hình ngôi nhà, chiếc cầu, tháp Eiffel… rất tinh xảo được ghép từ những que tăm tre nhỏ xíu.
Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm thủ công được chế tác từ gỗ, cùng một số tranh Bác Hồ, Bác Tôn, đại tướng Võ Nguyên Giáp, trống đồng Đông Sơn làm từ lá thốt nốt đã hoàn thành được trưng bày. Mỗi sản phẩm thể hiện sự nghiêm túc, tỉ mỉ và tính chịu khó của người làm ra chúng.
Linh chia sẻ: “Thị trường hiện nay rất đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên em luôn nỗ lực cho mỗi sản phẩm làm ra có sự khác biệt, mang dấu ấn riêng và phải thật tỉ mỉ. Tranh lá thốt nốt khắc laser là sản phẩm mới của cơ sở, làm tranh loại này cũng kỳ công không kém sản phẩm tranh gỗ hay mô hình làm bằng tăm tre. Để có được bức tranh đẹp phải chọn lá thật kỹ, đều màu, phải thực hiện các bước bảo quản để lá được bền, đẹp. Ngoài tranh làm từ lá thốt nốt, em đang ấp ủ thực hiện thêm các sản phẩm từ trái và tàu lá thốt nốt, nhưng có lẽ phải tốn nhiều thời gian để nghiên cứu cách làm”.
Nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đối với Linh là một cơ duyên. Linh kể: “Ghép tăm tre thành mô hình lưu niệm em học được khi tham gia lực lượng dân quân tự vệ của địa phương, khi đó, trong lực lượng có một anh đi bộ đội về, rất khéo tay, anh hay lấy tăm tre làm các mô hình rất dễ thương, đẹp mắt nên em tập làm theo”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Linh có học và làm nghề sửa điện thoại di động để mưu sinh, phụ giúp gia đình. Lúc rảnh rỗi, Linh dùng tăm tre làm những vật phẩm nhỏ tặng bạn bè, thấy sản phẩm của Linh làm ra bắt mắt nên nhiều người khuyến khích nên làm sản phẩm bán kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy đó là việc khả thi, nhưng để tạo được sự chú ý của khách hàng đòi hỏi sản phẩm làm ra phải đặc biệt hơn nên Linh nghiên cứu thêm những sản phẩm trưng bày làm từ tăm tre có độ kỳ công cao, tìm hiểu rồi mê lúc nào không hay. vậy là Linh quyết định khởi nghiệp bằng các sản phẩm nghệ thuật độc đáo làm từ những que tre nhỏ nhắn. Bản thân Linh hiểu rõ, con đường khởi nghiệp không hề đơn giản, chỉ với sản phẩm làm từ tăm tre thôi chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng nên tự tìm hiểu để làm phong phú, đa dạng sản phẩm.
Cùng với mô hình tăm tre, Linh đã cho ra đời thêm tranh gỗ thư pháp, tranh khắc laser, bảng tên, hộp bút để bàn làm việc, tranh lịch, biển hiệu và cả các sản phẩm nhỏ xinh như: móc khóa, logo… đa dạng mẫu mã, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng. Quan sát sản phẩm Linh làm ra có thể thấy rõ dù là những chi tiết nhỏ nhất cũng được bố trí, sắp xếp cân xứng, hài hòa, từng con chữ to nhỏ được cắt gọt rất cẩn thận.
Không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm, Linh còn tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên nhằm quảng bá sản phẩm và có thêm cơ hội học hỏi, nhận được những đóng góp để sản phẩm thêm hoàn thiện. Gần 2 năm phấn đấu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Linh dần được nhiều người biết đến.
Hiện nay, ngoài trưng bày tại cơ sở và bán online (trực tuyến), Linh còn gửi sản phẩm trưng bày tại các cửa hàng khởi nghiệp, gian hàng lưu niệm tại các khu, điểm tham quan, du lịch của tỉnh. Điều khiến Linh phấn khởi hơn cả là cơ sở nhận khá nhiều đơn hàng làm theo nhu cầu.
Linh chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi phải có sự kiên trì, bởi suốt ngày cứ cặm cụi, dán ghép từng chi tiết rất nhỏ, nếu không đam mê sẽ không theo nghề được. Sau gần 2 năm nỗ lực, những kết quả bước đầu là động lực để em tiếp tục phấn đấu thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình”.
MỸ LINH